Để những buổi chia tay trọn niềm vui

Trong cái nắng gay gắt đầu hè, trên các tuyến phố, dưới những sân trường ở Hà Nội, màu đỏ của phượng, màu tím của bằng lăng báo hiệu mùa thi - mùa chia tay đang đến rất gần. Cùng với nỗi lo chuẩn bị cho những kỳ thi bước ngoặt cuộc đời sắp tới, còn có một nỗi lo đến từ những buổi chia tay...

Đây đang là giai đoạn nước rút của những bạn học sinh cuối cấp THCS và PTTH (lớp 9, lớp 12) và cả những bạn sinh viên năm cuối trong những trường cao đẳng, đại học. Trong sự lo lắng chuẩn bị kiến thức để bước vào những kỳ thi quan trọng, bước ngoặt của cuộc đời, các bạn còn có niềm vui và sự háo hức chờ đợi đến ngày cả lớp tụ họp đông đủ tổ chức một bữa “hoành tráng” chia tay sau bao năm gắn bó. Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 12 trường Chu Văn An tâm sự: “Lớp em mỗi người đóng hai trăm nghìn đồng để tổ chức liên hoan trước kỳ thi tốt nghiệp. Ba năm học THPT gắn bó với nhau, lớp chưa lần nào tổ chức liên hoan, năm nay là năm cuối cấp nên bọn em quyết định tổ chức trước khi ra trường. Em mong và hồi hộp chờ đến ngày đó lắm”. Bùi Thị Hường, sinh viên năm thứ năm Trường đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ: “Hôm thứ hai vừa rồi, chúng mình họp lớp và quyết định mỗi đứa đóng ba trăm nghìn để tổ chức liên hoan, mua quà tặng khoa. 5 năm học cùng nhau, mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh, nên vào những ngày nghỉ lớp không tổ chức đi chơi cùng nhau được. Bây giờ tuy đang bận làm đồ án, nhưng khi nghe lớp trưởng có ý kiến như vậy, tất cả mọi người đều rất vui và ủng hộ”. Các bạn học sinh, sinh viên háo hức là vậy, nhưng các bậc phụ huynh, các thầy giáo, cô giáo không dấu được nỗi lo. Những năm trước đây, nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra sau buổi tiệc chia tay. Nào là chuyện sau khi chia tay, uống rượu bia, đi xe gắn máy để xảy ra tai nạn, làm lỡ mất kỳ thi tốt nghiệp. Rồi cũng vì rượu bia, mà đã không ít vụ xích mích, đánh nhau xảy ra từ những lý do rất nhỏ. Chị Trần Mai Hoa, phụ huynh học sinh có con là học sinh trường Chu Văn An lo lắng cho biết: “Hôm vừa rồi, cháu về xin hai trăm nghìn để đóng tiền liên hoan lớp. Tiền thì không đáng là bao, nhưng đọc báo, xem ti vi nhiều thấy có những trường hợp bị tai nạn do uống rượu bia trong khi liên hoan gia đình tôi lo lắm. Chỉ sợ nó đến trường liên hoan, uống rượu bia vào rồi lại mượn xe của bạn đi đâu thì... lỡ mất kỳ thi tốt nghiệp thì tôi chết mất”. Nỗi lo của chị Hoa cũng là nỗi lo của không ít các bậc làm cha, làm mẹ. Cấm không cho các em học sinh, sinh viên tổ chức liên hoan là điều không thể. Bởi thế việc nhắc nhở và giám sát việc tổ chức liên hoan cho các em là điều rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng, cả nhà trường và gia đình đều phải có trách nhiệm, cùng nhau tìm giải pháp để các em có những buổi liên hoan thiết thực, vui vẻ và đầy ý nghĩa. Về phía nhà trường nên khuyến khích các em tổ chức liên hoan tại phòng học, tránh tình trạng các em rủ nhau tổ chức tại hàng quán. Đây cũng chính là cơ hội thuận lợi để giám sát các em sử dụng rượu, bia. Còn về phía gia đình, cần có biện pháp nhắc nhở con em mình không nên sử dụng rượu bia để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Quan trọng hơn nữa, các em cần ý thức được tác hại khi sử dụng rượu bia, thẳng thắn đưa ra ý kiến nếu lớp có ý định sử dụng rượu bia trong buổi liên hoan. Khi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, cùng với ý thức tự giác của các em học sinh, sinh viên thì những buổi chia tay tuổi học trò sẽ có được niềm vui trọn vẹn nhất. Đây sẽ là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời học sinh, sinh viên và tạo đà tâm lý tốt để các em bước vào kỳ thi quan trọng và đạt được kết quả tốt nhất./. Đức Tuấn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/113423/Default.aspx