Để những lễ kỷ niệm không sáo mòn, lãng phí

Những lễ kỷ niệm, đồng nghĩa với việc xác lập một dấu mốc, như 300 năm xuất hiện địa danh này, 50 năm thành lập ngành kia, luôn đem lại sự xúc động theo ý nghĩa là một lễ nghi để ghi nhớ, để tri ân. Tuy nhiên, tổ chức lễ kỷ niệm thế nào để đạt tới giá trị cần thiết, xúc động mà không tốn kém, khoa trương, hình thức, thậm chí thiếu giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa lịch sử của sự kiện lại là việc khác.

Trên tinh thần mong muốn những ngày lễ kỷ niệm về từng vùng đất, từng ngành nghề mang ý nghĩa thực sự, chúng tôi thực hiện loạt bài này, cùng các nhà nghiên cứu lên tiếng để bớt đi những lãng phí, xa hoa, hoang phí, sáo mòn không cần thiết.

Bài 1: Sự xa hoa vô tình “báng bổ” các bậc tiền nhân

Nhiều lễ kỷ niệm đang bị biến tướng thành mô hình lễ hội. Ảnh minh họa.

Trong những năm qua xu thế lễ hội hóa các chương trình kỷ niệm thành lập tỉnh này, ngành kia, vùng đất nọ đang được nhiều nơi áp dụng tạo nên sự lãng phí, thậm chí vô tình đã “báng bổ” các bậc tiền nhân - theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

PV: Thưa GS! Ông nghĩ sao về ngày càng nhiều chương trình kỷ niệm dần biến thành các lễ hội có quy mô hoành tráng?

GS.TS Nguyễn Xuân Kính: Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do chính những người đứng ra tổ chức chưa phân biệt được khái niệm giữa chương trình kỷ niệm với lễ hội hay festival… Ở đây, điều đầu tiên để phân tích vấn đề này là chúng ta phải hiểu thể nào là lễ hội? Trong dân gian đầu tiên không có từ “lễ hội” mà chỉ có từ “hội”. Như “làng ta mở hội tưng bừng” nói rộng ra là “hội hè, đình đám”. GS Đinh Gia Khánh từng cho rằng “với người nông dân thì cuộc sống thường nhật trôi đi một cách bình lặng. Do đó, những ngày hội là một ngày đặc biệt. Lúc đó mọi người không phải làm việc và được ăn mặc đẹp, được tưởng nhớ những vị phúc thần, được thể hiện bản thân mình. Do đó mới có câu trống làng nào làng đó đánh, thánh làng nào làng đấy thờ”.

Tuy nhiên, theo thời gian các hội dần được mở rộng thành hội của từng vùng, từng địa phương, thậm chí là của cả nước. Nhưng ở cấp độ này thì muốn có hội đầu tiên đó là một niềm tin thiêng liêng vào một đấng siêu nhiên hay một vị thần, vị thánh nào đó của chính người dân. Lúc đó người dân sẽ tổ chức rước kiệu hay các hoạt động để tưởng nhớ những vị thần đó… Do đó nói đến hội phải nói đến yếu tố linh thiêng, đồng thời phải có yếu tố vui vẻ, thăng hóa… Sau này các nhà nghiên cứu có sử dụng đến từ hội lễ hay lễ hội với quan niệm rộng hơn là hội phải vui vẻ, lễ phải trang nghiêm.

Ngày xưa trong hội không có việc đem quà bánh đến bán lấy tiền, hay các hoạt động mang mục đích kinh doanh, thương mại. Nhưng ngày nay nhiều lễ hội lại có những hình ảnh “giết chó, chém lợn” nhằm mục đích kinh doanh. Thậm chí, người ta đã lạm dụng từ lễ hội để biến tướng các hoạt động. Đơn cử như Sơn La với lễ hội hoa quả hay lễ hội dưa hấu ở Quảng Nam, lễ hội trái cây ở miền Nam… Với những lễ hội khi không gắn liền với một vị thần, vị thánh nào đó thì nên được hiểu là festival thì đúng hơn.

Vậy cần phân định giữa ngày kỷ niệm với lễ hội như thế nào?

- Hiện nay có một số ngày kỷ niệm được lễ hội hóa theo tôi là không ổn. Như kỷ niệm Hai Bà Trưng hay ngày sinh của Đức Thánh Trần thì nên tổ chức lễ hội. Nhưng với những ngày như kỷ niệm như thành lập tỉnh… là điều không nên. Trước đấy, đã có một chương trình kỷ niệm dàn dựng theo mô hình là mời các lãnh đạo đứng trên lễ đài ở dưới là các đoàn diễu hành với các hình tượng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... được các diễn viên đóng thế thể hiện. Ngay việc các lãnh đạo vẫy tay chào các hình tượng lịch sử đóng thế đã là không phải chứ chưa nói đến việc sân khấu hóa, lễ hóa các sự kiện. Ở đây chúng ta cần hiểu rõ bản chất của từng hoạt động để có cách tổ chức sao cho đúng, chứ làm rầm rộ hoành tráng không những tốn kém mà còn tạo nên sự “báng bổ” với chính các bậc tiền nhân.

Phải chăng việc trọng hình thức đã tạo nên sự sai lệch này, thưa ông?

- Nguy cơ việc lễ hội hóa các kỷ niệm hiện nay hoàn toàn có thể gây ra sự báng bổ, xói mòn văn hóa. Bởi ngay những lễ hội truyền thống như tưởng nhớ vua Đinh Tiên Hoàng hay Hai Bà Trưng thì việc tạo hình nhân vật là hoàn toàn không có.

GS.TS Nguyễn Xuân Kính.

Thực tế đến nay không có một bức chân dung nào của vua Đinh hay Hai Bà Trưng mà thay vào đó là một cái ngai được phủ vải đỏ. Với những danh nhân lịch sử thì trong mỗi người đều có một hình dung riêng. Bởi ngay như lễ hội Thánh Gióng cũng tạo dựng hình ảnh hai đội quân giao chiến chứ không có hình ảnh Thánh Gióng cụ thể nào. Bởi nếu tạo hình một nhân vật Thánh Gióng múa may trong lễ hội đã vô tình làm mất đi tính linh thiêng của một vị thần đã có công bảo vệ đất nước. Ở đây nguyên nhân theo tôi là trong bối cảnh thị trường, đã nảy ra tâm lý thực dụng, tỉnh nào, ngành nào cũng muốn hoành tráng, cũng muốn lễ lạt phải to. Bên cạnh đó, có thực tế đáng buồn là có cả tâm lý muốn tiêu nhiều tiền ngân sách cho các lễ lạt kiểu này nên đã thổi phồng quy mô lớn. Có thể nói, trong thời kinh tế thị trường, việc biến tướng các chương trình kỷ niệm thành các lễ hội ồ ạt.

Theo GS, chúng ta nên làm gì để thay đổi thực trạng đáng buồn này?

- Để giải quyết được vấn đề này trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà quản lý thôi. Trách nhiệm định hướng, quản lý thuộc về Bộ VHTTDL, nhưng địa phương phải chấp hành và nhìn nhận đúng về các hoạt động kỷ niệm.

Trân trọng cảm ơn GS!

Hoàng Minh - Uyên Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/de-nhung-le-ky-niem-khong-sao-mon-lang-phi-tintuc434991