Để những ngôi nhà truyền thống thành điểm đến

Kiến trúc nhà ở truyền thống tại một số vùng dân tộc thiểu tộc dần bị mai một và được thay thế bằng kiến trúc nhà ở hiện đại. Trước hiện trạng đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc cổ truyền để những ngôi nhà thân thuộc của đồng bào trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Nhà trình tường của người Hà Nhì tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Nam Dương.

Nhà trình tường của người Hà Nhì tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Nam Dương.

Vận động cộng đồng giữ nhà truyền thống

Nhiều năm trở lại đây, nếp sống của các dân tộc ít người ở nhiều vùng miền có sự thay đổi lớn, kéo theo đó là cấu trúc nhà ở cũng có những chuyển biến rõ rệt. Những mái nhà truyền thống giảm dần nhường chỗ sự hiện diện ngày càng nhiều của những ngôi nhà cấp 4, nhà tầng theo lối nhà ở hiện đại vùng đồng bằng.

Nguyên do trước hết xuất phát từ sự chuyển đổi cơ cấu tổ chức sản xuất kinh tế. Đồng bào không còn đơn thuần làm nông nghiệp, mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định bằng nhiều nghề khác. Chính vì vậy, đời sống dần được cải thiện, mức sống cũng dần được nâng cao. Cùng với đó, việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh ngày càng tăng cường nên đã có những học hỏi, tiếp thu.

Nguyên nhân khác được PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam chỉ ra, trước đây, một số đồng bào sử dụng vật liệu sẵn có trong tự nhiên ở địa phương như gỗ, tre, nứa,... Còn hiện nay, theo chủ trương giao đất, giao rừng, điều kiện khai thác lâm sản để làm nhà cũng hạn chế. Cùng với đó, vật liệu xây dựng hiện đại như bê tông, xi măng, cốt thép,… rất dễ mua và giá thành trong khả năng cho phép. Các đồng bào đã sớm thích ứng với điều kiện mới, chuyển sang xây nhà gạch.

Dẫu biết, trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng như hiện nay, văn hóa truyền thống của các tộc người đang gặp phải thách thức trước làn sóng văn hóa mới là điều mà những người làm công tác quản lý văn hóa và những nhà nghiên cứu dân tộc học lo ngại. Nhưng PGS.TS Vương Xuân Tình - nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học cũng nhận thấy, trong cuộc sống ngày nay, sinh hoạt trong những ngôi nhà truyền thống cũng tồn tại nhiều bất tiện. Như đối với một số dân tộc làm nhà trình trường bằng đất, trong hoàn cảnh sống trước đây, trình tường dày cũng đủ đảm bảo cho người ta sống trong vài chục năm. Nhưng kiểu nhà này khi gặp mưa bão, nước ngấm vào tường trong thời gian dài gây lở lói, tạo điều kiện trú ngụ cho côn trùng. Hay đối với nhà sàn, sàn nhà cao ngang ngực người trưởng thành, có khi cao hơn, cầu thang dẫn lên nhà sàn có bậc nhỏ, hẹp, cũng không chắc chắn bằng cầu thang ở nhà cao tầng, nên hàng ngày, nhất là vào ban đêm, việc leo lên leo xuống cầu thang nhà sàn là điều rất khó khăn đối với người cao tuổi. Đồng thời, đồng bào cũng có nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt máy, các thiết bị điện, hay xây dựng nhà vệ sinh trong chính ngôi nhà mình,… Thế nhưng, những kiểu nhà truyền thống khó để đáp ứng việc lắp đặt, xây dựng kể trên.

Hiểu được thực tế này, ông Tình đề xuất, để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người thể hiện qua hình thái kiến trúc, nên vận động mỗi một cộng đồng, trước hết tập trung vào những gia đình có điều kiện, cố gắng giữ được một vài ngôi nhà truyền thống. Đặc biệt, những ngôi nhà phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng cần ưu tiên bảo lưu nguyên vẹn.

Hiện nay, trong không gian một số bảo tàng, làng văn hóa như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam,… lưu giữ được nhiều nguyên mẫu nhà ở cổ truyền của một số cộng đồng các dân tộc. Nhưng chúng vẫn chưa phản ánh được đầy đủ sự đa dạng trong kiến trúc của từng tộc người. Chỉ nói riêng dân tộc Chăm, ta cũng thấy được, cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận cư trú trong nhà trệt, còn người Chăm ở An Giang lại cư trú trong nhà sàn. Mà những không gian như vậy không đủ diện tích để tái hiện được hết từng dạng kiến trúc của từng cộng đồng các dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn nhà ở truyền thống ngay tại chính địa phương là một việc làm hết sức cần thiết.

Kiến trúc của khu nghỉ dưỡng H’Mong Village Resort (Quản Bạ, Hà Giang) lấy cảm hứng từ quẩy tấu.

Trong trường hợp không còn giữ được nhà sinh hoạt chung, cộng đồng ấy nên dựng lại ngôi nhà theo kiểu truyền thống của tộc người mình. Nếu trong khả năng cho phép, ông Tình vẫn khuyến khích sử dụng gỗ. Còn không, bà con có thể làm giả các vật liệu tự nhiên từ vật liệu mới, như đổ cột bê tông tròn, sơn tường, cột nhà màu nâu để giả gỗ. Qua các cuộc khảo sát ở phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, ông Nam cho biết, đồng bào người Mường, Thái xây nhà sàn bằng bê tông, xi măng, hoặc dùng gỗ xoan trồng trên đồi, với thời gian thu hoạch ngắn, từ 5 đến 8 năm, thay vì tìm đến gỗ khai thác tự nhiên như trước.

Mặc dù có sự thay đổi về kiến trúc nhà ở, vật liệu xây dựng, nhưng theo ông Nam, chưa thể khẳng định điều này ảnh hưởng sâu sắc tới những đặc tính căn cốt nhất của tộc người. Bởi để dựng nên một ngôi nhà, bên cạnh những vật liệu, còn kèm theo một loạt nghi lễ liên quan đến việc xây nhà dựng cửa, mà mỗi tộc người có những cách thức thực hành nghi lễ khác nhau, như chọn hướng đất, xem ngày làm nhà ra sao,… Ngoài ra, ngôn ngữ tộc người vẫn được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, một số phong tục chính vẫn được truyền thừa qua các thế hệ dưới một mái nhà. Vậy mới thấy, nhà ở chỉ là một phần trong tổng thể bức tranh văn hóa tộc người.

Song song với việc giữ lại nhà truyền thống làm không gian sinh hoạt chung, ông Tình cũng đưa ra đề xuất, địa phương cũng cần có phương án đưa những ngôi nhà ấy trở thành điểm đến thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm không gian sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ấy, nhà truyền thống sẽ tạo ra được kinh tế, để duy trì chính sự tồn tại của nó, cũng như đem đến nguồn lợi cho bà con địa phương.

Một ngôi nhà sàn cột bê tông chưa hoàn thiện tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Cần có quy hoạch

Trong những năm gần đây, xuất hiện dạng thức kiến trúc pha trộn hài hòa được cả yếu tố bản địa và hiện đại, được gọi kiến trúc hiện đại- bản địa. Theo GS.TS Doãn Minh Khôi - Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, hình thái kiến trúc này vận dụng được những tri thức dân gian của tộc người trong xây dựng như: cách đón gió, ánh sáng tự nhiên vào không gian nhà, đồ án trang trí truyền thống,… giúp phần nào giải quyết bài toán vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, vừa tạo một không gian sinh hoạt hiện đại, tiện nghi.

Tuy vậy, dạng thức kiến trúc này cho đến thời điểm hiện tại, nếu được ứng dụng trong xây dựng những không gian văn hóa công cộng hay khu nghỉ dưỡng sẽ phù hợp hơn là nhà ở dân dụng. Bởi để xây dựng nên một ngôi nhà như vậy, gia chủ cần phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho thiết kế, mà không phải ai cũng đủ khả năng chi trả. Cùng với đó, công trình đòi hỏi ở người thợ xây dựng phải có tay nghề cao. Còn với nhà ở truyền thống, bà con có thể tự dựng nhà dựa vào những kiến thức cha ông truyền lại. Hay với nhà cấp 4, nhà tầng, có thể dễ dàng học hỏi kinh nghiệm từ người Kinh.

Hiện nay, có nhiều địa phương ở nước ta đang hướng tới việc xây dựng những khu du lịch mang hơi hướng văn hóa truyền thống của các tộc người tại chỗ. Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village Resort ở huyện Quản Bạ, Hà Giang, với kiến trúc nhà lấy cảm hứng từ nhà trình tường hay quẩy tấu - một loại giỏ của người H’Mông là một điển hình. Hay làng văn hóa H’Mông Pả Vi tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang, với những ngôi nhà phảng phất bóng dáng nhà truyền thống của người H’Mông. Thêm vào đó, khi đến đây, du khách được tham quan và trải nghiệm các hoạt động như dệt thổ cẩm, đan quẩy tấu, chơi các trò chơi dân gian…

Song, không thể vì thế mà ồ ạt xây dựng các khu du lịch theo dạng thức kiến trúc này, nhà quản lý văn hóa cần có hoạch định cụ thể, khu vực nào nên giữ lại nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, cho mục đích bảo tồn, trưng bày như đã nói trước đó, khu vực nào được phép đưa phong cách hiện đại vào kiến trúc bản địa, cho mục đích vui chơi, nghỉ dưỡng, nhằm phục vụ từng đối tượng du khách khác nhau.

Dựa vào các yếu tố văn hóa truyền thống, điều kiện sinh thái và sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người làm tiêu chí, PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng phân chia nhà ở truyền thống thành 3 loại hình chính: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa trệt, nhà trệt. Về cơ bản, người Thái, Mường sẽ cư trú ở nhà sàn. Người Tày, Nùng có thể xếp vào nhóm các dân tộc sống ở nhà sàn. Nhưng cũng có một số nhóm người Nùng từ lâu đã sinh sống trong các ngôi nhà đất. Thông thường, các dân tộc H’Mông, Dao cũng cư trú ở nhà đất. Bên cạnh đó, một số nhóm H’Mông và Dao khác lại xây nhà nửa sàn nửa đất. Lý giải cho điều này là vì trong quá trình cư trú và giao lưu văn hóa, các tộc người đã học hỏi, tiếp thu những mô hình nhà ở của nhau. Vì thế, trong nhiều trường hợp, kiến trúc nhà ở đặc trưng của dân tộc chỉ mang tính tương đối.

NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-nhung-ngoi-nha-truyen-thong-thanh-diem-den-5717101.html