Để nông dân chuyển đổi số hiệu quả

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí, vận chuyển, giao dịch an toàn chính xác. Tuy nhiên, chưa nhiều nông dân áp dụng số hóa trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số.

Nhiều tiện ích

Đề cập về những tiện ích trong chuyển đổi số, ông Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt (Hải Phòng) cho biết, trước kia sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán, giao dịch hàng hóa với các đối tác xa nhưng nay đơn giản hơn rất nhiều thông qua thao tác thanh toán điện tử. Các HTX có thể mở rộng phạm vi đối tác ra cả nước thậm chí là nước ngoài.

Cũng theo ông Quyên, khi chưa có thanh toán số qua ngân hàng, các khoản ủy nhiệm chi, trả lương cho công nhân bằng tiền mặt, nếu trả tài khoản thì công nhân lại phải đi rút về chi tiêu... tất cả đều mất phí. Tuy nhiên từ ngày “số hóa” thì trả lương cho xã viên qua tài khoản, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán bằng app ngân hàng tiện lợi, không mất phí.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hết tháng 8/2023, tổng số tài khoản mobile money được mở là 5,2 triệu, trong đó có 3,6 triệu tài khoản mở ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, với hàng chục nghìn điểm kinh doanh và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán mobile money.

Số liệu từ Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đến cuối tháng 6/2023 đã đạt 14,96%, so với mục tiêu 20% vào năm 2025; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5% (mục tiêu năm 2025 là 10%); tỷ lệ nhân lực lao động trong lực lượng lao động thậm chí vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025, khi đạt 2,3%,…Đây là kết quả bước đầu của chuyển đổi số nền kinh tế, trong đó, không thể không nhắc đến kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và ngân hàng.

Giúp nông dân an toàn khi sử dụng ngân hàng số

Dù nhiều tiện ích, song việc số hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn. Mặc dù đánh giá cao lợi ích của chuyển đổi số, song nhiều nông dân vẫn e ngại khi giao dịch qua ngân hàng số. “Rất nhiều nông dân đã mất sạch tiền chỉ vì vô tình ấn vào link giả mạo. Vậy cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết vấn nạn này không để chúng tôi yên tâm sử dụng dịch vụ? Khi có tình trạng mất tiền thì những người nông dân cần làm gì để lấy lại được tiền? Theo tôi cần phải có giải pháp cho tình trạng này, có như thế người nông dân mới an tâm sử dụng dịch vụ số” - ông Quyên nói.

Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể cũng đặt nhiều câu hỏi về an toàn bảo mật thông tin khi sử dụng các dịch vụ số. “Hiện nay, đối tượng lừa đảo có nhiều cách thức để lừa đảo trực tuyến. Cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng bảo mật và ngăn chặn việc mua bán thông tin cá nhân" - ông Nam đề xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO nhận định chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là giao dịch số mà còn liên quan tới câu chuyện mã vùng nông sản, giá cả thị trường…

"Thời gian qua, thị trường sầu riêng rất nóng, nông dân có lợi. Vậy làm thế nào để người nông dân bảo vệ mình trong giai đoạn vừa rồi, khi nhức nhối nhất là vấn đề liên quan đến giả mạo mã số vùng trồng?” - bà Thực đặt vấn đề.

Trước những lo ngại, băn khoăn của người dân về tính bảo mật khi thực hiện chuyển đổi số, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an chia sẻ: Số vụ việc lừa đảo nhiều, thậm chí có sự cấu kết giữa giữa trong nước và nước ngoài. Người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa thường bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới để chiếm dụng tài sản. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh công an, viện kiểm sát để tham gia các vụ án để yêu cầu người dân chuyển tiền. Ông Tùng khẳng định: “Không có cơ quan công an, viện kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại. Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo. Sắp tới, ngành ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch”.

Theo ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, số hóa trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số. Trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số. Hiện nay Hội Nông dân đã kết nối với các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin, fanpage của các cấp hội, phối hợp với các bộ ngành, xây dựng ứng dụng (app) nông dân dự kiến sẽ ra mắt ngày 15/12 sẽ chính thức ra mắt để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Lê Bảo - Minh Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-nong-dan-chuyen-doi-so-hieu-qua-5741795.html