Để nông nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại - Bài 4: Phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, NTTS bị ảnh hưởng bất lợi; nhiều khó khăn, thách thức, đang đặt ra.

Khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) được đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Ảnh: PV

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện, ứng dụng nhiều mô hình NTTS ứng phó phù hợp với điều kiện của địa phương. Năm 2002, tại khu nuôi tôm công nghiệp xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) lần đầu tiên đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi thử nghiệm và kết quả cho thấy tôm thẻ chân trắng sớm thích ứng với điều kiện nuôi ở địa phương. Tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể nuôi với mật độ cao, trung bình 200 con/m2; cá biệt nuôi trong bể xi măng hoặc ao nuôi dưới 500 m2 mật độ nuôi lên tới 500 con/m2. Sau 18 năm được du nhập vào tỉnh Thanh Hóa, tôm thẻ chân trắng đã phát triển ra các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn... ở các vùng sinh thái khác nhau, như: Nuôi trên cát, nuôi vùng triều, nuôi trong bể xi măng với diện tích 500 ha đạt sản lượng 3.500 tấn/năm. Với hình thức nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhiều mô hình cho năng suất 22 tấn/ha/vụ, có thể nuôi lên tới 3 vụ/năm, cho doanh thu từ 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm.

Toàn tỉnh hiện có 19.500 ha NTTS và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa. Lâu nay, NTTS được các địa phương chú trọng đầu tư và mở rộng diện tích, chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao... Tuy nhiên, việc NTTS của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất thâm canh các đối tượng thủy sản, do nguồn vốn đầu tư cao, rủi ro lớn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, nhận định: Nếu so với lợi thế tự nhiên, tiềm năng đất đai, mặt nước thì năng suất, sản lượng NTTS hàng năm của tỉnh chưa tương xứng. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến NTTS, nhất là vùng ven biển về các vấn đề, như: suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, hư hỏng cơ sở hạ tầng, thất thoát vật nuôi; chi phí sản xuất và tác động lên các hệ sinh thái vùng ven biển. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, con giống chưa đáp ứng yêu cầu; NTTS chưa thực sự ổn định, an toàn, bền vững và tiềm ẩn rủi ro cao. Những tháng cao điểm của mùa hè thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ trung bình ngày đêm chênh lệch 7 - 100C, bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Trong khi đó, các loài thủy sản nuôi, nhất là con tôm rất nhạy cảm với môi trường, dễ bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công gây hại, bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Trước tình hình đó, việc xây dựng các giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu trong NTTS về cải tiến kỹ thuật nuôi, giảm sử dụng hóa chất, thức ăn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giám sát và quản lý môi trường ao nuôi là rất cần thiết. Đồng thời, xây dựng các mô hình đưa các con giống có khả năng sống được ở môi trường nước mặn, lợ vào sản xuất. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực của cộng đồng về thông tin thị trường, kết nối trong chuỗi giá trị, quản lý rủi ro thiên tai và nhận thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng địa phương.

Để từng bước phát triển NTTS bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2016 - 2020, các sở, ngành, các địa phương đã huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 120,107 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 14,453 tỷ đồng để thực hiện các dự án: Khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông - Phong - Ngọc (Hà Trung); cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) với diện tích 300 ha. Từ nguồn vốn ODA đầu tư dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương). Ngoài ra, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 22.041 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ruộng trũng sang NTTS kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Cao Thanh Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Trong điều kiện biến đổi khí hậu có nhiều tác động, ảnh hưởng bất lợi đến NTTS, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự kiến, nguồn vốn huy động đầu tư phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025 là 1.264 tỷ đồng, để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, nơi tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng cá vùng nuôi thâm canh tôm chân trắng, nuôi an toàn sinh học... nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Mặc dù vậy, thực tế việc NTTS ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng cho nhiều khu NTTS tập trung hầu như chưa được đầu tư đồng bộ gây khó khăn cho việc phát triển, mở rộng diện tích. Vì vậy, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào NTTS. Đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường thông minh ở những vùng nuôi trọng điểm. Cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại sản xuất NTTS theo chuỗi giá trị. Phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ mới trong nuôi thâm canh nước mặn, lợ và nuôi lồng trên sông, trên hồ thủy lợi, thủy điện... Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng; quản lý chất lượng giống, thuốc thú y thủy sản. Xây dựng các mô hình NTTS thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm để nhân rộng. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho NTTS phát triển.

Nhóm PV Kinh tế

Bài cuối: Để ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/de-nong-nghiep-bat-kip-xu-huong-hien-dai-bai-4-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/124535.htm