Để nông sản thâm nhập vào EU: Biết mình, biết người

Với những thuận lợi lớn từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp (DN) nông sản đang tăng tốc cho việc đầu tư chất lượng, nâng cao vị thế sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng EU.

Khắc phục điểm yếu trong khâu sản xuất

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 19,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó rất nhiều sản phẩm đang được xuất khẩu vào thị trường EU. Do đó việc Hiệp định EVFTA ký kết mới đây được đánh giá là động lực để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản sang EU.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ cũng như các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là vấn đề đáng quan ngại đối với các DN trong ngành hàng này. Ngoài ra, các DN còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu. Nguyên nhân được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ ra hiện có khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân trong khi chỉ một tỷ lệ nhỏ là từ DN tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của nhà nước. Các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không bảo đảm yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Không những thế, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn hạn chế, ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân.

Xuất khẩu nhân điều sang thị trường EU

Xuất khẩu nhân điều sang thị trường EU

Sau nhiều năm xuất khẩu sản phẩm điều sang thị trường EU, theo ông Nguyễn Minh Công - Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Gfood, khi xuất khẩu hàng hóa sang EU không nên cố gắng xuất số lượng nhiều, thay vào đó nên nâng cấp hệ thống quản lý, đầu tư vào giá trị gia tăng sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm.

Cũng như Gfood, các sản phẩm trà của Công ty Trà Cát Nghi từ chỗ không có tên tuổi tại thị trường EU thì nay đã được thị trường đón nhận khá tích cực. Bà Nguyễn Hoàng Minh Tuyết - Giám đốc Công ty Trà Cát Nghi - cho rằng, kết quả này có được nhờ DN đã liên tục cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn

Khẳng định những cơ hội mang đến cho hàng nông sản rất lớn, nhưng để tiếp cận thị trường này DN phải có sự chuẩn bị kỹ. "DN, người nông dân rất cần được phổ cập kiến thức cơ bản về quy trình trồng trọt, hướng dẫn đạt tiêu chí cơ bản về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, dư lượng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật... để sản phẩm có thể xuất khẩu vào EU", ông Ngô Hớn Đình - Giám đốc Công ty Chuỗi cung ứng bền vững - đề xuất.

Bà Nguyễn Hoàng Minh Tuyết cho rằng, ngoài sự tích cực chủ động "tăng chất" cho sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng, để xuất khẩu thành công vào EU trong giai đoạn tới rất cần thêm kênh cung cấp thông tin thị trường và hoạt động hỗ trợ xúc tiến thiết thực cho DN. Theo quan điểm của ông Reindert Dekker- chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan, để thế giới biết đến Việt Nam như một cường quốc xuất khẩu nông sản thực phẩm nổi tiếng, cần tạo ra sự khác biệt sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang thực hiện xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nong-san-tham-nhap-vao-eu-biet-minh-biet-nguoi-122128.html