Để OCOP vươn xa

Sản phẩm OCOP đã dần khẳng định thương hiệu, có một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, đưa OCOP lan tỏa trong nước và vươn xa hơn, các đơn vị sản xuất, quản lý nhà nước và người tiêu dùng đã đề xuất một số ý kiến đóng góp. Ghi nhận của phóng viên Trung tâm truyền thông tỉnh. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ông Lý Anh Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng NTM tỉnh: “Từng bước đổi mới hướng đi”.

Để phát triển sản phẩm nói riêng và chương trình OCOP nói chung, điểm mấu chốt là tạo chỗ đứng cho sản phẩm OCOP trên thị trường. Do đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần từng bước đổi mới hướng đi. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ hình thức đến nội dung, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị, khoa học kỹ thuật... tiết kiệm nhân công, giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng suất, từ đó, tạo ra sản phẩm không chỉ ổn định về sản lượng còn có giá thành cạnh tranh. Việc đầu tư chế biến sâu với đa dạng dòng sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng cũng là giải pháp quan trọng thúc đẩy sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Quang Ninh, Giám đốc Công ty CP Sữa An Sinh (TX Đông Triều): “Tiếp tục quảng bá sản phẩm”.

Thời gian qua, tỉnh và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ, triển lãm, tuần kết nối... Tuy nhiên, để sản phẩm tiếp cận gần hơn người tiêu dùng với thị trường ổn định, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp tục quảng bá bằng nhiều hình thức. Đồng thời, kết nối với các nhà nghỉ, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng mong muốn được trưng bày, giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Qua đó, các sản phẩm OCOP mới có cơ hội phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Thơm, phường Hồng Hà (TP Hạ Long): “Hướng đến sự thuận tiện cho người tiêu dùng”

Hiện nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Chất lượng các sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên, hình thức, mẫu mã đẹp hơn, bắt mắt hơn, có thể mang làm quà biếu, tặng. Tuy vậy, nhiều sản phẩm cũng chưa thực sự chú tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng, khiến quá trình sử dụng còn bất tiện. Do vậy, tôi mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thì cần tiếp tục đổi mới về hình thức mẫu mã, bao bì để có thể đáp ứng nhiều khách hàng, nhiều thị trường hơn.

Ông, Bàn Văn Trường, cán bộ Hội Nông dân xã Quảng La (Hoành Bồ) “Có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX”.

Để các sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả, tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi để HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn phát triển. Qua đó thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức các lớp đào tạo; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường.

Cao Quỳnh - Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201908/de-ocop-vuon-xa-2452045/