Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị phạt nguội với xe máy nhằm cải thiện hành vi của người đi xe máy, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của ngành GTVT trước khối lượng xe máy khổng lồ tại Việt Nam.

Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm không nhỏ của dư luận. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình về vấn đề này.

Xe máy cố tình đi vào Đại lộ Thăng Long gây nguy hiểm cho chính người điều khiển xe máy và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. (Ảnh: Phúc Tài)

PV: Có thể thấy quyết tâm của ngành GTVT khi Bộ trưởng GTVT đề xuất phạt nguội vi phạm của xe gắn máy. Xã hội cũng kì vọng việc này giúp chấn chỉnh hành vi của không ít người lái xe máy. Là chuyên gia giao thông, khi nghe thông tin này, ý kiến của ông là gì?

TS Phan Lê Bình: Trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc xử phạt ngội đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông của xe máy, từ góc độ của chuyên gia, tôi cũng nhận định rằng đề xuất của Bộ trưởng cũng xuất phát từ tình hình vi phạm trật tự giao thông của một bộ phận khá nhiều những người đi xe máy là đã lên đến tình trạng đáng quan ngại.

Nó cũng xuất phát từ khả năng cơ động rất cao của xe máy và ý thức tuân thủ Luật giao thông của đa số người lái xe máy là còn tương đối thấp. Thế cho nên là tôi cũng nhận định hành vi lái xe máy của người dân ở Việt Nam chúng ta có thể nói là hết sức tùy tiện, người ta sẵn sàng đi ngược chiều, sẵn sàng cho xe máy leo vỉa hè.

Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của những người lái xe máy bằng biện pháp xử phạt nguội là một mong muốn rất là chính đáng, không chỉ là của Bộ trưởng Bộ GTVT mà của đa số những người có ý thức cao tuân thủ Luật Giao thông.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình

PV: Theo ông, những việc chúng ta cần làm để đề xuất của Bộ trưởng GTVT được hiện thực hóa là gì? Phạt nguội xe máy liệu có bất khả thi?

TS Phan Lê Bình: Mong muốn thì chính đáng như vậy nhưng mà việc thực hiện xử phạt nguội đối với xe máy, tôi nghĩ là trong bối cảnh về cơ chế pháp luật cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam hiện nay thì gần như là không thể.

Về mặt kỹ thuật, hiện nay, chúng ta thực hiện được việc phạt nguội với xe ô tô là vì chúng ta có cơ chế kiểm định định kỳ đối với xe ô tô. Thứ hai là đăng ký sở hữu xe ô tô có thể nói là được gắn chặt với chiếc xe ô tô đó. Còn đối với trường hợp của xe máy thì vấn đề lớn nhất hiện nay của chúng ta là chúng ta không gắn được chủ sở hữu thực sự với chiếc xe máy.

Việc này trước đây hàng chục năm cũng đã từng được đưa ra thảo luận nhưng chưa thể hiện được và tôi nghĩ là việc xác định chính chủ của xe máy là vấn đề rất cấp thiết. Bởi vì không chỉ là chuyện phạt nguội đối với các vi phạm giao thông mà trên thực tế là chiếc xe máy có thể được dùng để làm phương tiện trong những vụ án. Muốn làm được như vậy thì tôi nghĩ là sẽ cần nhiều thay đổi quyết liệt trong cơ chế, chính sách pháp luật của Việt Nam.

Ví dụ xem xét dán tem xác nhận chủ sở hữu định kỳ. Ví dụ một năm một lần thì người chủ sở hữu đúng của chiếc xe máy đó phải đưa xe đến trạm đăng kiểm. Ở đó chúng ta không đăng kiểm, không kiểm tra tình trạng xe. Nhưng chỉ đơn giản là chúng ta xác định người đưa xe đến đó đúng là người chủ của chiếc xe máy này.

Có những thay đổi về cơ chế, chính sách để làm được như vậy thì lúc đó chúng ta mới có thể nghĩ đến chuyện là phạt nguội người lái xe máy.

PV: Kinh nghiệm nào trên thế giới mà chúng ta có thể học hỏi trong đảm bảo ATGT với số lượng xe máy khổng lồ tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?

TS Phan Lê Bình: Học hỏi kinh nghiệm của quốc tế như thế nào? Ở đây tôi lại thấy ngược lại là có khả năng Việt Nam chúng ta sẽ là lá cờ đầu trên thế giới trong việc thực hiện quản lý xe máy. Với số lượng xe máy khổng lồ như thế này, thực tế trên thế giới xe máy nhiều như Việt Nam có lẽ là chỉ có ở Ấn Độ mà thôi.

Tôi dẫn chứng một câu chuyện đó là việc áp dụng thu phí không dừng ETC trên toàn quốc. Việt Nam chúng ta đã làm rất nhanh chỉ trong vòng một năm mà có thể áp dụng với gần như 100 % ô tô. Trong khi đó, để đạt được mức tỷ lệ áp dụng khoảng hơn 90% thì Nhật Bản đã mất khoảng 15 năm để triển khai. Như vậy, chúng ta đã có những cách làm rất là đặc thù, rất là đặc biệt để có thể triển khai nhanh và toàn diện.

Quay trở lại câu chuyện của xe máy, tôi nghĩ rằng không phải là chúng ta đi học hỏi kinh nghiệm của các nước mà bản thân chúng ta tìm ra những biện pháp mới và đó chính sẽ là bài học để cho các nước khác tuân theo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Tú/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/de-phat-nguoi-xe-may-can-nhieu-thay-doi-quyet-liet-post1092228.vov