Để phát triển ngành hàng sen

Sen là loại cây khá dễ trồng và cho thu hoạch đa dạng nhiều sản phẩm như hoa sen, gương sen, ngó sen, củ sen… Theo các chuyên gia, tiềm năng để phát triển cho ngành hàng sen tại tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL nói chung là rất lớn bởi sen có thể chế biến nhiều sản phẩm giúp mang lại giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm OCOP được làm từ sen tại một hoạt động triển lãm ở tỉnh Đồng Tháp.

Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm OCOP được làm từ sen tại một hoạt động triển lãm ở tỉnh Đồng Tháp.

Không chỉ ở sứ sen hồng - Đồng Tháp mới có những cánh đồng sen rộng lớn bát ngát hương thơm mà cây sen còn được trồng ngày càng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành khác ở vùng ĐBSCL như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An… Ở Cần Thơ, cây sen đã được nông dân phát triển trồng tại nhiều quận, huyện như Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Sen tại Cần Thơ được nông dân trồng để lấy gương, chứ ít trồng các giống sen để lấy ngó hay củ sen và gương sen đã được nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp thu mua để chế biến các sản phẩm hạt sen. Nhờ trồng sen, nông dân đã có được nguồn thu nhập khá tốt so với trồng lúa, nhất là tại những vùng ao hồ và đất trũng thấp không phù hợp trồng lúa và các loại rau màu khác. Tuy nhiên, do còn hạn chế trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên giá cả đầu ra sản phẩm còn bấp bênh.

Anh Nguyễn Văn Trị, ngụ xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Cây sen đã được nông dân tại xã phát triển trồng khoảng 10 năm nay. Nhìn chung, sen khá dễ trồng và có thể cho sản phẩm thu hoạch hầu như quanh năm. Tuy nhiên, do nông dân chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá gương sen còn bấp bênh theo mùa hoặc theo thời điểm nông dân tại các địa phương trồng ít hay nhiều. Thời gian qua, giá gương sen có lúc chỉ ở mức 7.000-10.000 đồng/kg nhưng có lúc lên đến 60.000-70.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Thu nhập từ trồng sen có lúc rất cao đạt tới 120-200 triệu đồng/ha/năm nhưng cũng khá thấp. Nông dân chưa an tâm gắn bó với cây sen, diện tích trồng sen còn thường xuyên biến động".

Hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại một số địa phương vùng ĐBSCL, đặc biệt là tại tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được nhiều sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các sản phẩm chế biến từ sen. Song, công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng chưa được đầu tư và phát triển đúng tầm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản lâu, cũng như đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn xuất khẩu. Đa phần các sản phẩm chế biến từ sen hiện còn chủ yếu bán tại nội địa. Nhiều cơ sở và doanh nghiệp chế biến còn bị thiếu nguyên liệu theo mùa, đặc biệt là trước và sau các dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán hằng năm. Để phát triển bền vững ngành hàng sen, tới đây các bộ ngành, địa phương và các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng cần phối hợp để đảm bảo cung - cầu nguyên liệu và kịp thời đẩy mạnh chế biến sâu gắn với mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu.

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị sản phẩm ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp". Tại hội thảo này, doanh nghiệp, nhà khoa học đã chỉ rõ, cần kịp thời đẩy mạnh khâu chế biến và liên kết chặt chẽ giữa các bên phát huy hết các giá trị sẵn có của cây sen, cũng như phát triển bền vững cho ngành hàng. Sen là loại cây trồng có thể giúp mang lại đa giá trị. Tuy nhiên, hiện sen mới được các đơn vị, doanh nghiệp chú ý khai thác nhiều ở khía cạnh thực phẩm, còn việc khai trên các lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch… vẫn còn hạn chế.

Theo tiến sĩ Phạm Minh Nhựt, Chủ nhiệm ngành Công nghệ sinh học, Viện Khoa học ứng dụng HUTECH, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, tất cả các bộ phận của cây sen đều có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu nhưng hiện việc ứng dụng sen vào đời sống vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân như quá trình chiết xuất các hợp chất từ sen gặp nhiều khó khăn, chi phí vận hành cao… Tin rằng, tới đây với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học, nhất là công nghệ vi sinh lên men kết hợp với công nghệ chiết xuất sẽ chiết xuất được các thành phần quý giá nhất của sen để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, từ đó nâng cao vai trò của sen, đưa sen ra thị trường thế giới.

Theo ông Ngô Chí Công, Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp, Giám đốc Công ty TNHH Ecolotus Việt Nam, để có những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì điều kiện cần là phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng. Do đó, một trong những hoạt động trọng tâm của Hội ngành hàng sen là kiến nghị có giải pháp lập quy hoạch nhanh chóng, số hóa và được cập nhật thường xuyên, trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường và của doanh nghiệp chế biến mà khuyến khích, phân rõ khu vực phát triển vùng trồng sen cho từng loại giống lấy gương, lấy hạt, lấy củ, lấy lá, lấy hoa... và xây dựng tiêu chuẩn ngay từ khi mới bắt đầu canh tác. Thứ hai, gia tăng giá trị cho các sản phẩm sen nhất định phải có hàm lượng khoa học công nghệ cao vào trong từng sản phẩm. Hội ngành hàng sen mong muốn và đang thực hiện những kế hoạch như đề xuất có những ứng dụng các nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ trong trích xuất, cô đặc, bào chế từ các dưỡng chất flavonoid, alcaloid, acid amin... có trong sen là nguồn nguyên liệu quan trọng trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm cao cấp. Hay việc ứng dụng công nghệ để biến lá sen thành chất liệu mới, thân thiện môi trường, sử dụng trong ngành thời trang cao cấp, trang trí nội thất, quà tặng... Tất cả những gợi mở trên đều cần đến sự chung tay của cả doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự hỗ trợ từ Nhà nước vì để duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cần một nguồn lực, nhân lực rất lớn mà đôi khi một cá nhân, một doanh nghiệp khó có thể thực hiện được. Thứ ba, việc đưa ra một sản phẩm mới từ sen cũng cần kể những câu chuyện hấp dẫn thú vị truyền tải đến người tiêu dùng…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/de-phat-trien-nganh-hang-sen-a150886.html