Để phát triển tiềm năng du lịch của Đầm Hà

Không phải là vùng trọng điểm du lịch của tỉnh, song Đầm Hà cũng có những điểm di tích, thắng cảnh rất đẹp và giá trị, đã và đang thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, hiện các điểm này đều chưa được công nhận là điểm, tour, tuyến du lịch.

Cảnh đẹp thác Bạch Vân. Ảnh: Hữu Việt

Đầm Hà có nhiều địa điểm đẹp để thăm thú, ngắm cảnh như rừng cò núi Hứa (xã Đại Bình), thác Bạch Vân (xã Quảng An), chùa Sâu, miếu Sâu (xã Dực Yên), đảo Đá Dựng, đồn Đen (thị trấn Đầm Hà)...

Hiếm có nơi nào không gian trong lành và có đàn cò sinh sống tự nhiên, ngày càng phát triển như ở núi Hứa. Leo lên đỉnh núi, đứng bên cột cờ Tổ quốc được huyện Đầm Hà xây dựng năm 2018, du khách có thể hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, lắng nghe tiếng lá rừng xào xạc và tiếng vỗ cánh gọi đàn của cò rừng, hình dung ra cảnh tượng người Việt cổ từng sống quần tụ, hạnh phúc trong núi... Hiện huyện Đầm Hà đã làm việc với Bảo tàng tỉnh để chuẩn bị xây dựng nhà trưng bày các di chỉ khảo cổ ngay tại núi Hứa.

Thác Bạch Vân được bao quanh bởi hệ thống rừng phòng hộ, mùa mưa có 5 tầng thác đổ. Hiện đường vào chân thác đã thuận lợi và đẹp hơn xưa rất nhiều; một số công trình dịch vụ, phòng nghỉ homestay đã xuất hiện... Đến với đảo Đá Dựng, trong không gian hơn 60ha bao gồm bãi tắm, hệ thống các mỏm đá dựng đứng, màu xanh mát của nước biển, của cây rừng... sẽ khiến bất cứ ai cũng cảm thấy hòa hợp với thiên nhiên. Còn di tích chùa Sâu, miếu Sâu, đồn Đen nằm ngay trên địa bàn thị trấn Đầm Hà. Không chỉ là điểm tâm linh quan trọng của người dân Đầm Hà, chùa Sâu còn có kiến trúc rất lạ với 100% nguyên liệu là đá kết. Chùa Sâu, đồn Đen còn là nơi giáo dục lịch sử khi từng là trụ sở làm việc, căn cứ chiến đấu, nơi thông tin, liên lạc, hội họp của các chiến sĩ cách mạng...

Không gian xanh mát, trong lành của rừng cò núi Hứa.

Với những tiềm năng về du lịch, thời gian qua không ít tổ chức, doanh nghiệp đã tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư du lịch tại Đầm Hà. Riêng đối với đảo Đá Dựng và thác Bạch Vân đã từng có nhà đầu tư thiện chí, xây dựng phương án, đầu tư ban đầu một số hạng mục nhỏ, tuy nhiên đến thời điểm này đang dừng lại để chờ hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Ông Hứa Như Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc, đơn vị đang có ý tưởng đầu tư tại thác Bạch Vân, khẳng định: Là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, đồng thời thấy được vẻ đẹp của Bạch Vân, đơn vị rất muốn được xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng. Hiện doanh nghiệp có chủ trương đầu tư rõ ràng và đã dành nguồn lực cho Bạch Vân, chỉ chờ hoàn thiện thủ tục là tiếp tục triển khai.

Điều đáng nói, những điểm di tích, thắng cảnh nói trên của huyện Đầm Hà sau nhiều lần hoàn chỉnh hồ sơ hiện vẫn chưa được công nhận là điểm, tour, tuyến du lịch. Các hoạt động du lịch của người dân hiện nay thực chất vẫn mang tính tự phát, ảnh hưởng đến công tác đầu tư và quản lý của đơn vị chuyên môn chuyên trách. Bên cạnh đó, công tác huy động nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho các điểm di tích, thắng cảnh ít nhiều bị hạn chế.

Ông Tạ Hữu Tuất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đầm Hà, cho biết: Các điểm di tích, thắng cảnh của Đầm Hà mang những nét riêng và có giá trị lớn. Nếu được công nhận là điểm, tour, tuyến du lịch chắc chắn sẽ được đầu tư, quản lý chuyên nghiệp, bài bản hơn, đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân và du khách hơn. Đây cũng chính là điều mong mỏi của mọi người dân Đầm Hà.

Dòng suối từ nguồn thác Bạch Vân len lỏi qua mỗi phiến đá. Ảnh: Hữu Việt

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/de-phat-trien-tiem-nang-du-lich-cua-dam-ha-2487424/