Đề phòng bệnh sán lợn ở người từ các món ăn yêu thích

Theo thông tin phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở tỉnh Bình Phước, đại diện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng (Viện SR-KST-CT) TP HCM cho biết, việc ăn, nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng từ thịt lợn có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.

Sau khi xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) và các xã lân cận, Viện SR-KST-CT phát hiện các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 - 70 nang ấu trùng/kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.

Các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán

Xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã của khu vực (Phú Nghĩa, Đak Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập) cho thấy: 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

PGS.TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện SR-KST-CT - cho biết, đây là một tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán chăn nuôi lợn thả rong, ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín.

Ông Đồng cho hay, đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng mà bị các thể bệnh như sau: Bệnh ấu trùng sán lợn nếu người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn. Khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,...

Đối với người bệnh có con sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.

Mẫu sán dây thu hồi tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM

“Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán, bệnh có những biểu hiện khác nhau”, ông Đồng nói.

Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), khi ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Đặc biệt là từ thức ăn hè phố như các món thịt tái, sống, tiết canh , rau sống, không đảm bảo ATTP. "Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt…

Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày…", TS Từ Ngữ cho hay.

Không nên ăn tiết canh để phòng tránh nhiễm sán dây

Để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán cần phải: Làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận.

Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán.

Với nhóm đối tượng này, cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; nghiêm cấm con ăn thực phẩm chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ…

Đối với những món ăn như tiết canh, thịt sống, tái, tốt nhất chúng ta phải từ bỏ ngay từ bây giờ. Đây là những món ăn ẩn chứa nhiều ấu trùng sán nhất. Ngoài ra, trong quá trình mua thực phẩm, bạn cũng cần chú ý chọn mua thịt lợn tươi, ngon, sạch cho gia đình.

Có thể phòng ngừa bệnh sán lợn được bằng vệ sinh môi trường, quản lý phân thật tốt (ở nông thôn, miền núi cần có hố xí hợp vệ sinh), cần có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Vệ sinh ATTP là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh sán lợn.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-phong-benh-san-lon-o-nguoi-tu-cac-mon-an-yeu-thich-126754.html