Đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão

Trước tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão.

Theo đó, PC Hà Nam khuyến cáo người dân không được đứng gần cột điện lúc trời mưa hoặc có giông, sét, không đến gần các thiết bị mang điện. Không được mang bất cứ vật gì trèo lên mái nhà, leo lên ban công. ô văng từ nhà này sang nhà khác, của các nhà gần công trình điện, đường dây điện, trạm biến áp. Không tự ý trèo lên cột điện để sửa chữa, mắc điện. Khi có sự cố, hãy tìm gọi người của tổ quản lý điện tại địa phương hoặc Điện lực các huyện, Thành phố theo số điện thoại đã ghi trong hóa đơn tiền điện của khách hàng.

Các công nhân Điện lực Thanh Liêm triển khai nâng hòm hộp lên cao để đảm bản an toàn trong mùa mưa lũ 2018

Khi mưa, bão có thể gây đứt dây, đổ cột điện. Tuyệt đối không được đến gần chỗ dây điện đứt, cột điện bị đổ và tự ý thu dọn khi chưa có ý kiến của người phụ trách điện thông báo đã cắt điện. Nếu thấy có cột điện đổ, dây bị đứt rơi xuống đất thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện (phải cách xa ít nhất 10m), ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần. Đồng thời phải nhanh chóng báo cho người của tổ quản lý điện tại địa phương hoặc theo số điện thoại nóng: 0226.2210.354 (Phòng Điều độ - Công ty Điện lực Hà Nam) để kịp thời cắt điện đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố.

Cây cối gần đường dây điện có nguy cơ gãy, đổ khi gió bão ảnh hưởng đến công tác vận hành an toàn đường dây, cần chặt bỏ trước khi có bão đổ bộ vào.

Không lắp đặt cột ăng ten gần đường dây, trạm biến áp vì cột ăng ten có thể ngả đổ vào đường dây, trạm biến áp gây chạm chập, đứt dây, phóng điện rất nguy hiểm cho tính mạng con người.

Khi điện trong nhà bị hỏng bắt buộc phải cắt cầu dao, cầu chì điện chính rồi mới được sửa chữa chỗ hư hỏng. Sử dụng các trang, thiết bị điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện, tiết kiệm.

Khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do lũ lụt phải cắt ngay cầu dao, cầu chì, Aptômat đầu nguồn điện vào nhà để đề phòng mạng điện bị ngập nước gây tại nạn chết người.

Không di chuyển đi lại bằng tàu, thuyền, bè trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát gần với mặt nước để tránh điện phóng gây tại nạn.

Khi có người bị điện hạ thế (0,4kV) giật thì hô to gọi mọi người đến cứu. Nếu dây dẫn còn dính với nạn nhân thì phải nhanh chóng cắt nguồn điện bằng các Aptômat, cầu dao, cầu chì hoặc rút phích cắm: nếu không có cầu dao, cầu chì, Aptômat, phích cắm thì dùng vật dụng có cách điện (như kìm cách điện, búa, rìu cán gỗ khô để chặt đứt dây dẫn trước, sau đó đưa nạn nhân ra chỗ thoáng mát (về mùa hè), ấm (về mùa đông) để cứu chữa. Tuyệt đối không được chạm vào nạn nhân khi chưa tách khỏi nguồn điện nếu không thì người cứu sẽ bị điện giật tiếp theo.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 3 (Wipha) dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng 2/8 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11; các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa ngày 2/8 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10. Đồng thời, từ đêm ngày 1/8 đến ngày 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người dân và hành lang an toàn lưới điện mùa mưa lũ trước ảnh hưởng của bão số 3 nói riêng và mùa mưa lũ năm nay nói chung là việc vô cùng quan trọng.

Nga - Xuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-phong-tai-nan-dien-trong-mua-mua-bao-123254.html