Đề phòng thủ đoạn xuyên tạc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 và Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng pháp luật, tạo sự đồng thuận của nhân dân, xã hội trong xây dựng Luật Đất đai. Vậy mà, trên mạng xã hội Facebook, các blogger, các trang mạng của những thành phần bất mãn, phản động tràn ngập các bài, ảnh có nội dung xuyên tạc công tác lấy ý kiến của nhân dân về Luật Đất đai.

Phản ánh ý chí, nguyện vọng nhân dân

Hội nghị Trung ương 5 của Đảng khẳng định: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Sau hơn 2 tháng triển khai khẩn trương, nghiêm túc, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đạt những kết quả tích cực. Từ khu dân cư, phường, xã, thị trấn đến quận, huyện, tỉnh, thành phố,... đều tổ chức các hội nghị tiếp thu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó là những hội nghị góp ý từ MTTQ các cấp, giới luật gia, nhà khoa học, các đại diện địa phương. Những ý kiến của người dân đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và gửi gắm nhiều tâm huyết đến ban soạn thảo; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Kiên quyết đấu tranh, vạch trần thủ đoạn

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, tài sản đặc biệt của nhân dân, công lao khai phá, bảo vệ, cải tạo, xây đắp bằng chính xương máu của bao thế hệ người dân Việt Nam. Điều này chỉ có thể có được khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được bảo đảm, để Nhà nước có thể thực hiện vai trò của mình trong duy trì ổn định và công bằng xã hội, mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng. Trong quá trình phát triển của đất nước, hàng loạt chủ trương, chính sách về đất đai đã ra đời nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất, phục vụ phát triển KT-XH.

Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chủ trương, chính sách về đất đai liên tục được thực hiện cho phù hợp với thực tiễn. Những người "bới lông tìm vết", thổi phồng những sai sót trong vấn đề đất đai để áp đặt tư duy sở hữu tư nhân về đất đai bất chấp bối cảnh lịch sử và phát triển của đất nước thì không khó để nhận diện họ là ai. Đó là những người không có lợi ích liên quan, thậm chí hằn học với chế độ, đưa ra những phát ngôn vô căn cứ nhằm kích động đám đông, mưu toan phá vỡ ổn định chính trị - xã hội, làm chậm sự phát triển của đất nước. Sâu xa hơn, những âm mưu này nhằm kích động, lèo lái dư luận hòng làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam./.

Cựu chiến binh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-phong-thu-doan-xuyen-tac-lay-y-kien-nhan-dan-ve-luat-dat-dai-a154772.html