Đề phòng Trung Quốc, Mỹ tìm đất hiếm ở châu Phi

Lo ngại Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế khác ở khu vực châu Phi, Reuters đưa tin ngày 5-6.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này đã tổ chức hội đàm với Công ty Tài nguyên Mkango của Malawi cũng như các công ty khai thác đất hiếm khác trên toàn cầu về nguồn cung cấp khoáng sản chiến lược của họ. Đây là một phần trong kế hoạch tìm kiếm các nguồn cung cấp đất hiếm thay thế ngoài Trung Quốc của Mỹ.

Phát biểu bên lề một hội nghị kim loại đặc biệt ở TP Chicago, kỹ sư vật liệu Jason Nie làm việc tại Cơ quan hậu cần quốc phòng của Lầu Năm Góc (DLA), cho biết: "Chúng tôi đang tìm kiếm bất kỳ nguồn cung cấp nào bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn sự đa dạng. Chúng tôi không muốn có một nhà sản xuất đơn lẻ".

DLA chịu trách nhiệm mua, lưu trữ và vận chuyển vật tư cho Lầu Năm Góc - từ khoáng sản, phụ tùng máy bay đến khóa kéo cho đồng phục. Cơ quan này cũng thảo luận với Công ty đất hiếm Rainbow của Burundi về nguồn cung trong tương lai. "Chúng tôi có thể tạo ra những mối liên kết" – ông Nie nói.

Mkango hiện phát triển một mỏ khai thác và cơ sở chế biến đất hiếm ở Malawi nhưng phải vài năm nữa mới có thể đặt hàng. Còn Rainbow bắt đầu hoạt động tại Burundi vào năm 2017 và đang có một thỏa thuận với Tập đoàn ThyssenKrupp AG (Đức).

Oxyt đất hiếm praseodymium và neodymium được tinh chế trong nhà máy. Ảnh: Reuters

Oxyt đất hiếm praseodymium và neodymium được tinh chế trong nhà máy. Ảnh: Reuters

Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Khoáng sản đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học dùng trong một số lĩnh vực như công nghệ năng lượng tái tạo, nhà máy lọc dầu, điện tử và công nghiệp thủy tinh.

Năm 2010, Bắc Kinh từng hủy bỏ việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vì tranh chấp ngoại giao. Nhà phân tích Mark Seddon cho rằng đất hiếm là vũ khí chính của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo đài BBC, các mỏ của Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Myanmar, Úc và Mỹ cùng một số quốc gia khác chỉ khai thác một lượng nhỏ, chiếm phần còn lại.

Trong quá trình tinh chế quặng đất hiếm, Trung Quốc thậm chí còn chiếm ưu thế hơn. Vào năm ngoái, gần 90% đất hiếm tinh chế thành các oxyt có thể sử dụng được thực hiện ở Trung Quốc. Thống kê cho thấy xuất khẩu oxyt đất hiếm của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 4-6 đã khuyến nghị các bước khẩn cấp để thúc đẩy sản xuất đất hiếm trong nước. Tập đoàn Tài nguyên khoáng sản Texas đang nỗ lực phát triển mỏ đất hiếm Round Top ở phía Tây của bang này song cũng phải mất vài năm nữa mới sử dụng được.

Phạm Nghĩa (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/de-phong-trung-quoc-my-tim-dat-hiem-o-chau-phi-2019060611323342.htm