Để rau quả giữ vững vị trí mũi nhọn

Thông tin kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt lúa gạo, vươn lên đứng đầu nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản, bỏ xa các lĩnh vực được coi là mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu,… đã làm nức lòng người làm vườn cả nước. Họ vui vì Đề án phát triển nghề trồng cây ăn trái của Chính phủ đã được thực hiện hiệu quả ở các cấp độ, từ Trung ương, các bộ ngành, địa phương đến bản thân từng nhà vườn.

Không chỉ vui về kim ngạch 2,5-2,6 tỷ USD mà họ - những người làm vườn còn vui về số chủng loại trái cây Việt được thị trường thế giới, kể cả các thị thường khó tính nhất chấp nhận ngày một nối dài. Bắt đầu chỉ là thanh long, bưởi Năm Roi, rồi đến chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa, xoài,…

Không chỉ vui về kim ngạch và chủng loại trái cây được chấp nhận, những người làm vườn còn vui về số thị trường chấp nhận trái cây Việt ngày càng mở rộng, kể cả những thị trường rất khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia, Niu Di-lân,…

Từ những con số về kim ngạch, chủng loại, thị trường, có thể thấy trong gần chục năm qua, với những nỗ lực từ cả Nhà nước, nhà vườn, nhà khoa học và doanh nghiệp, từng bước chúng ta đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của xứ nông nghiệp nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh ở phía Bắc. Đó là nỗ lực tổ chức quy hoạch, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường của các bộ ngành, địa phương. Đó là những bộ giống mới cho thu hoạch rải vụ, những tiến bộ kỹ thuật để cây ra trái trái vụ, kỹ thuật bảo quản, sơ chế của các cơ quan và nhà khoa học. Đó là sự tuyên truyền, vận động tích cực về phát triển sản xuất hàng hóa an toàn từ các cơ quan báo chí. Và đó là sự hưởng ứng rộng rãi của nhà nông, nhà vườn ở khắp mọi vùng miền của Tổ quốc trong thực hiện liên kết với nhau trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, và với doanh nghiệp, nhà khoa học trong nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị.

Theo dự báo, ngành hàng rau quả sẽ tiếp tục bứt phá, có thể tăng sản lượng xuất khẩu lên gấp 3 - 4 lần hiện nay và tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 5, thậm chí 10 lần so với hiện tại. TS Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng, hiện chúng ta có 700.000ha cây ăn quả. Nếu tập trung phát triển ngành hàng cây ăn quả, chắc chắn khả năng xuất khẩu còn lớn hơn rất nhiều, có thể tới 8 tỷ USD vì nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới là rất lớn.

Để dự báo thành hiện thực, và rau quả trở thành ngành hàng mũi nhọn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nâng cao thu nhập cho nhà nông, gắn với xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên mà nhà vườn, doanh nghiệp phải quan tâm là đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn đồng nhất ở mọi lô hàng và khả năng cung cấp khối lượng lớn. Để đáp ứng điều này, sự hợp tác liên kết trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà vườn với doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, hiện 90% nông sản Việt xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ/ 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau, và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Đó là nguyên nhân chính khiến hàng hóa Việt Nam nói chung, nông sản nói riêng bị thua thiệt rất nhiều. Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp cần đặc biệt ưu tiên vấn đề này.

Thứ ba, Nhà nước, các cơ quan quản lý ngành và địa phương cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến trên cơ sở lâu dài và sớm xây dựng cơ chế hỗ trợ tích tụ đất đai để tạo cánh đồng mẫu về cây ăn trái.

Hiền Trang

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/de-rau-qua-giu-vung-vi-tri-mui-nhon-post2015.html