Để 'sức mạnh mềm' của Việt Nam được lan tỏa

'Các di sản văn hóa thế giới là một phần của 'sức mạnh mềm' mỗi quốc gia sở hữu. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã nhiều lần thành công với việc phát huy ngoại giao văn hóa khi phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn'. Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã nhấn mạnh điều này trong cuộc nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao chiều ngày 20/2.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đại sứ 2019 do Học viện Ngoại giao tổ chức, buổi nói chuyện của vị Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft có chủ đề: “Chính sách của UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững và những thách thức cho Việt Nam trong quá trình bảo tồn di sản”.

Đại diện cho Học viện Ngoại giao, Phó Giám đốc Lê Hải Bình chủ trì buổi nói chuyện. Thành phần tham dự gồm có bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Dung, Thư ký của Trưởng Đại diện, TS. Nguyễn Phú Tân Hương, Phó Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế & Ngoại giao, một số cán bộ Viện Nghiên cứu biển Đông và Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao và 50 sinh viên hệ Cử nhân của Học viện.

Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình (phải) chủ trì buổi nói chuyện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Mở đầu buổi nói chuyện, Trưởng Đại diện khẳng định, nói đến UNESCO, mọi người thường nghĩ ngay đến văn hóa và bảo tồn di sản thiên nhiên. Tuy vậy, UNESCO ngày nay không chỉ tập trung vào những khía cạnh này.

Nhiệm vụ chung trong Chiến lược Quốc gia của UNESCO tại Việt Nam là hỗ trợ Chính phủ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua các lĩnh vực sau của tổ chức: giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông và thông tin.

Trong 2 năm 2018-2019, UNESCO sẽ tập trung vào ba lĩnh vực hoạt động cụ thể gồm: (i) Giáo dục và khoa học vì công việc và đời sống; (ii) Đưa văn hóa trở thành trung tâm của sự phát triển; (iii) Trao quyền cho phụ nữ và thanh niên vì một xã hội hòa nhập.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nói chuyện với các sinh viên. (Ảnh: Trung Hiếu)

Di sản văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể (như những điệu nhảy, bài hát, thơ ca…). Chính những di sản văn hóa phi vật thể này góp phần tạo nên “bản sắc” của quốc gia, khiến người Việt Nam là người Việt Nam. Việc bảo tồn văn hóa phi vật thể đòi hỏi sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặc biệt cần sự chung tay của thế hệ trẻ.

Các di sản văn hóa thế giới là một phần của “sức mạnh mềm” mỗi quốc gia sở hữu. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã nhiều lần thành công với việc phát huy ngoại giao văn hóa khi phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn.

Toàn cảnh buổi nói chuyện. (Ảnh: Trung Hiếu)

Sức mạnh mềm của Việt Nam được lan tỏa thông qua hàng triệu du khách đến Việt Nam hàng năm và cộng đồng mạng. Hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội để nâng cao vị thế quốc gia và thay đổi hình ảnh từ một đất nước nổi tiếng với những cuộc chiến tranh sang một quốc gia vì hòa bình.

Sau khi hoàn thành phần thuyết trình, vị Trưởng Đại diện đã trả lời nhiều câu hỏi từ các sinh viên và cán bộ, liên quan đến chủ đề chính nêu trên.

Buổi nói chuyện kéo dài hai giờ đã kết thúc trong không khí hữu nghị, đem lại nhiều cảm hứng và kiến thức mới cho các sinh viên và cán bộ trẻ của Học viện.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft chụp ảnh lưu niệm với cán bộ và sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Trung Hiếu)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/de-suc-manh-mem-cua-viet-nam-duoc-lan-toa-87886.html