Đề tài càng hẹp thành công càng lớn

Vì sao tìm, xác định trọng tâm câu chuyện của phóng sự lại quan trọng như vậy? Cóthật đây là yếu tố quyết định sự thành công trong làm tin, phóng sự hay phỏng vấntruyền hình?

Xác định được trọng tâm câu chuyện của phóng sự sẽ đem lại thành công cho tác phẩm. Ảnh: TGCC

Góc nhìn giúp xác định trọng tâm

Năm 1993, cách đây 25 năm - khi còn là một phóng viên trẻ, tôi vô tình đọc trên “Thời báo kinh tế” bài viết về “Chợ người” khu vực Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Có khá nhiều cách nhìn khác nhau về hiện tượng kinh tế - xã hội này.

Có ý kiến cho rằng, những người nông dân lam lũ ở các vùng quê xung quanh khu vực Hà Nội đổ về thành phố tìm kiếm việc làm, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự văn minh của đô thị, cần cấm để loại bỏ những người nông dân lam lũ, nhếch nhác khỏi Hà Nội.

Xin nói thêm, thời kháng chiến chống Mỹ, khi phải đi sơ tán, tôi được sống với những người nông dân ở Ba La - Bông Đỏ (Hà Đông), Kim Động (Hưng Yên), Yên Thế (Bắc Giang)... đã giúp tôi hiểu và yêu quý những người nông dân nghèo nhưng rất tốt bụng, sẵn lòng chia sẻ cho gia đình tôi củ khoai, bắp ngô khi đói lòng.

Năm đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội linh hoạt mở các trung tâm giới thiệu việc làm cho những người nông dân từ các tỉnh mong muốn làm việc tại Thủ đô. Riêng tôi, với tư cách là một phóng viên trẻ, lại rất chia sẻ với những người nông dân lam lũ.

Những trải nghiệm của thời thơ ấu bỗng ập về, giúp tôi xác định được góc nhìn chia sẻ với khó khăn, vất vả của những người nông dân và phóng sự “Chợ lao động - Bài toán chưa có lời giải ” đã ra đời và được phát sóng trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Sự lan tỏa của phóng sự còn hơn cả mong đợi, thầy Mai Ngữ, giảng viên Khoa Kinh tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Phóng sự giải tỏa được những tranh luận trong giới lý luận đất nước khi đó, “Việt Nam có thị trường sức lao động hay chưa?” Người nói có kẻ bảo chưa! Tôi đã xuất hiện ở đầu phóng sự và dẫn hiện trường: “Thưa quý vị và các bạn! Chúng tôi đang có mặt ở đường Giảng Võ, ở đây có những người cần bán sức lao động và những người cần mua sức lao động. Và như vậy ở đây xuất hiện một thị trường sức lao động dù còn nhỏ bé và mang tính tự phát”...

Thầy giáo của tôi Trần Đăng Tuấn, người dạy môn Ký sự truyền hình khi tôi còn là sinh viên Khoa Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền gặp sau khi phát sóng phóng sự tại hành lang Đài Truyền hình Việt Nam bắt tay và nói: “Hôm qua tôi vừa xem phóng sự chợ lao động của ông!”. Tôi rút thuốc lá mời thầy và vội hỏi: “Phóng sự của em thế nào thầy?”. Ông im lặng rồi quay người đi thẳng. Sau này tôi mới hiểu với thầy Trần Đăng Tuấn đó là một lời khen.

Trọng tâm của phóng sự đôi khi xuất hiện khi chúng ta làm hậu kỳ. Ảnh: TGCC

Trọng tâm được xác định khi làm hậu kỳ

Cố nhà báo Trường Phước, người tôi rất quý trọng đã giới thiệu một đề tài hay về những thanh niên hoàn lương ở bến xe phía Nam Hà Nội. Ông nói: Quang nên làm phóng sự này. Gặp nhân vật chính trong nhóm thanh niên này là “Minh trọc”.

Lần đầu tiếp xúc với nhân vật Phạm Hữu Minh, tôi bị chất vấn: Tại sao anh ở phố Hàng Chiếu mà không làm phim về “Khánh Trắng”? Tôi trả lời: Anh sẽ không bao giờ làm vì anh biết về hoạt động của họ. Sau câu hỏi, nhân vật đồng ý cho tôi làm phóng sự.

Nhiều chi tiết trong quá trình quay phim làm chúng tôi xúc động. Sự dang tay của ông Dũng, Giám đốc bến xe phía Nam với 10 thanh niên có tổng số năm trong nhà tù đến 100 năm; những việc thiện mà nhóm làm đối với thương binh tại bến xe; xây nhà, thăm hỏi khi gia đình có người ốm đau...

Có chi tiết làm tôi rất xúc động như trường đoạn 10 người bạn xúc từng xô vữa, chuyển gạch giúp anh Nam xây nhà. Trong khi làm phóng sự chúng tôi có những cuộc phỏng vấn nhanh những thương binh khi đến bến xe phía Nam được nhóm “bốc xếp 100 năm” giúp đỡ mang vác hành lý miễn phí.

Nhà văn Hoàng Hữu Các viết lời bình và đặt cho phóng sự cái tên khá “cải lương”, “Giã từ Đại ca”. Tôi không thích tên này nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận vì chưa có cái tên hay hơn. Trọng tâm phóng sự là kể lại những việc làm tốt, thiện tâm của nhóm “Minh trọc” và những người bạn tù với tổng thời gian ở trong tù lên đến 100 năm. Tôi mời nghệ sĩ ưu tú Trần Đức đọc phóng sự này. Giọng đọc truyền cảm của ông cùng sự nhấn nhá câu chữ khiến phóng sự được “nâng lên”, ấn tượng hơn với người xem.

Tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc, tháng 6/1994, tại Thanh Hóa phóng sự “Giã từ Đại ca” giành Huy chương Bạc. Điều khiến tôi tiếc nuối là chỉ thiếu 0.2 điểm là phóng sự đoạt Huy chương Vàng!. Kinh nghiệm mà tôi rút ra được khi làm phóng sự này là: Trọng tâm của phóng sự đôi khi xuất hiện khi chúng ta làm hậu kỳ...

Đi tìm trọng tâm cho phóng sự truyền hình. Ảnh: TL

Khi tác nghiệp tại hiện trường

Khi làm phóng sự “Vài điều ghi nhận từ bãi rác Thành Công” cách đây hơn 20 năm, tôi đã mất 1 ngày khảo sát trong bãi rác rộng hàng héc-ta, nay là khu dân cư sầm uất gần Trung tâm Chiếu phim quốc gia trên đường Láng Hạ, Hà Nội.

Khi tiếp cận những người bới rác, tôi phát hiện, ở đây có người chủ và người làm thuê, kẻ bóc lột và người bị bóc lột.

Sau 1 ngày cùng nhà quay phim Hoa Đình Đạt tác nghiệp bằng camera M9000 tại bãi rác Thành Công, chúng tôi đã có những hình ảnh sống động cùng các cuộc phỏng vấn tự nhiên, sinh động những người bới rác.

Trọng tâm của câu chuyện được xác định lại là: Mâu thuẫn giữa những người nhặt rác và người chủ bãi rác. Tôi được trò chuyện với những người bới rác và ông chủ bãi rác có tên Thịnh, chúng tôi mới tìm ra được xung đột, mâu thuẫn giữa người lao động và “cai” của bãi rác.

Qua chi tiết cai Thịnh quát nạt những người bới rác tại hiện trường. Mâu thuẫn trong phóng sự được xác định lại khi tác nghiệp tại hiện trường. Tên phóng sự được đặt khá hiền lành: “Ghi nhận từ bãi rác Thành Công”.

Ba câu chuyện nhỏ khi tác nghiệp của tôi hy vọng là những gợi ý cho các đồng nghiệp khi làm phóng sự truyền hình trong việc xác định trọng tâm của phóng sự. Hơn thế, việc tìm được trọng tâm của phóng sự giúp chúng ta xác định được những cảnh quay chính cùng chủ đề của các cuộc phỏng vấn nhân vật. Rõ ràng tìm và xác định trọng tâm của phóng sự sẽ giúp ta có được phóng sự tốt.

“Đề tài càng hẹp thành công càng lớn”- Câu nói của ai đó rất chính xác cho các nhà báo trong tác nghiệp!

Vũ Quang

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/de-tai-cang-hep-thanh-cong-cang-lon-n11895.html