Đề tài lớn, hấp dẫn của văn học

Từ khi Đảng ta ra đời, hơn 90 năm qua đã có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc, nhiều nhà văn viết về Đảng với niềm kính trọng, tin yêu. Viết ở hậu phương, viết ngoài mặt trận, viết trong khoảng lặng giữa hai trận đánh, trong tư thế người chiến sĩ. Đảng là người lãnh đạo, là đồng chí, anh em, là người con trung thành, vĩ đại của dân tộc: 'Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay' (Tố Hữu); 'Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười' (Chế Lan Viên)...

Có thể dẫn rất nhiều bài thơ, câu thơ hay viết về Đảng của các nhà thơ: Xuân Diệu, Huy Cận, Khương Hữu Dụng, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Việt Phương, Chính Hữu...

Thế hệ các nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng để lại nhiều tác phẩm văn xuôi viết về Đảng, về tấm gương những đảng viên, những chiến sĩ cách mạng trung kiên, những người lính trên chiến trường. Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thế hệ bạn đọc chuyền tay nhau những cuốn sách: “Bất khuất” (Nguyễn Đức Thuận), “Sống như Anh” (Trần Đình Vân), “Hòn Đất” (Anh Đức), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi)...

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây cuộc sống mới, xuất hiện những trường ca, những tiểu thuyết mà ở đó nhân vật trung tâm vẫn là người lính thời hậu chiến. Họ bước vào cuộc chiến đấu mới, vừa làm nghĩa vụ quốc tế, đối mặt với cuộc chiến bảo vệ biên giới, vừa giáp mặt với những "cuộc chiến" trong hòa bình không ít cam go, nguy hiểm. Ở đây, ý chí, tấm lòng người chiến sĩ cộng sản tiếp tục được thử thách, trui rèn. Cuộc đấu tranh ấy được phản ánh trong văn học đa dạng, đa chiều, gai góc, chống lại những tiêu cực, chống lại bệnh quan liêu, cơ hội, sự băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, làm ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng. Tiểu thuyết “Lá non” (Ngô Ngọc Bội), “Cù lao chàm” (Nguyễn Mạnh Tuấn), “Những ngày thường đã cháy lên” (Xuân Cang)... và hàng loạt bút ký mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống trong những năm 1980-1990 đã phản ánh phần nào hiện thực đó. Gần đây, năm 2018, tiểu thuyết “Ngày mai sương muối” của tác giả Trương Tư Tần Quỳnh đề cập đến một vấn đề khá nóng trong công cuộc công nghiệp hóa ở nông thôn hiện nay. Ở đó vai trò lãnh đạo của Đảng, những xung đột trong nội bộ, sự nhu nhược, sự tha hóa về đạo đức của một số cán bộ chủ chốt đã bộc lộ rõ nét. Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét về nhân vật chính trong tiểu thuyết: “Một vị đại tá trở về làng sau hơn 40 năm chinh chiến. Cuộc đoàn viên cùng những hoài niệm về cảnh cũ người xưa. Nỗi khắc khoải vì nợ nước đã trả, còn nợ làng vẫn còn đó khi tuổi già đã đến sau lưng. Câu chuyện nghe quen quen mà đọc vẫn thấy là lạ, hơn nữa còn cuốn hút đến khó rời”.

Không chỉ chú ý đến những mặt trái, tiêu cực, về thói cơ hội, giả dối, được khái quát trong cụm từ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, một số tác phẩm văn học gần đây đã hướng tới những mặt tích cực, cổ vũ những hành động hy sinh quên mình, những tấm gương đảng viên cộng sản xưa và nay. Tháng 12-2020, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã viết tiểu thuyết "Hừng đông", tái hiện chân thực cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, gian khổ, hy sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu. Trước đó, năm 2015, tiểu thuyết tư liệu “Về Tân Trào” của nhà văn Phù Ninh được xuất bản, mạch xuyên suốt của cuốn sách là sự vận động của lịch sử dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).

Tuy nhiên, các tác phẩm văn học viết về Đảng, về công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới dường như còn quá ít. Còn thiếu vắng những tiểu thuyết, trường ca, thơ viết về Đảng thấm đẫm hơi thở cuộc sống, thân phận con người. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cùng những nhân vật "đứng mũi chịu sào" trước những nhiệm vụ, những thử thách to lớn trong mấy chục năm qua chưa được đề cập tương xứng. Tương tự, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu; những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cũng ít được đề cập, hoặc có nhắc tới nhưng còn sơ lược, chưa tạo được ấn tượng.

Có thể nói đó là “khoảng trống” trong văn học giai đoạn hiện nay. Khi các nhà văn đi tìm câu hỏi về đề tài trung tâm, nhân vật trung tâm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải chăng viết về Đảng, về công tác xây dựng Đảng là một vỉa quặng lớn mà chúng ta khai thác chưa được nhiều?

Nhà thơ HẢI ĐƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/de-tai-lon-hap-dan-cua-van-hoc-650430