Đề tài sáng tạo khoa học của sinh viên được áp dụng hiệu quả

Tại vòng chung kết và Lễ trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều sinh viên đã thể hiện sự đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học không ngừng. Nhiều đề tài khoa học của các bạn sinh viên mang tính ứng dụng cao, góp phần định hướng trong xây dựng chính quyền và quản lý đô thị.

Các tác giả đoạt giải nhì - Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka.

Các tác giả đoạt giải nhì - Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka.

Tại vòng chung kết và Lễ trao Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều sinh viên đã thể hiện sự đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học không ngừng. Nhiều đề tài khoa học của các bạn sinh viên mang tính ứng dụng cao, góp phần định hướng trong xây dựng chính quyền và quản lý đô thị.

Đều có sở thích tìm tòi các phương pháp tính toán, hai sinh viên Nguyễn Phát Tài, Nguyễn Thành An cùng học lớp cử nhân tài năng, Khoa công nghệ thông tin (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cùng ấp ủ nghiên cứu phần mềm “Nhận diện mặt người qua tìm kiếm trên vi-đê-ô”. Sau một năm bắt tay vào nghiên cứu và viết phần mềm, tháng 7-2017 hai bạn sinh viên “9X” đã gửi đề tài: “Tổng hợp và tìm kiếm trên vi-đê-ô dựa vào phát hiện và nhận biết mặt người” đến cuộc thi Euréka. Hai sinh viên Phát Tài và Thành An đã nghiên cứu bài toán phát hiện và nhận diện mặt người để mang đến trải nghiệm mới, một hình thức tương tác thông minh. Phương pháp của bài toán đưa ra là khái quát nội dung vi-đê-ô theo tỷ lệ xuất hiện của các nhân vật quan trọng dựa trên nhận diện khuôn mặt, phân tích và tóm tắt các đoạn theo sự xuất hiện.

Ứng dụng “phát hiện mặt người” có thể giúp bạn đọc tìm kiếm hình ảnh, tiểu sử những nhân vật là chính khách, người nổi tiếng một cách đầy đủ và chính xác trên báo chí, các phương tiện truyền thông. Thực tế hơn, phần mềm này có thể ứng dụng cho việc quản lý tình hình an ninh ở các khu nhà trọ thông qua cách nhận diện những hình ảnh, những khuôn mặt của khách vãng lai; hay kiểm soát nhân viên ra vào ở một công ty, doanh nghiệp… Kết quả đề tài này đã vinh dự nhận giải nhất Giải thưởng Euréka.

Cả Tài và An đều ước mơ phần mềm do hai bạn lập trình có thể ứng dụng trước mắt trong việc quản lý an ninh ở các khu nhà trọ trên địa bàn nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trước đó, hai bạn sinh viên đã xây dựng phần mềm “Kiểm tra sức khỏe” để số hóa các tài liệu bệnh án. Với phần mềm này, bác sĩ vẫn có thể thăm khám bệnh nhân từ xa bằng các ứng dụng thông minh như theo dõi nhịp tim, đo trạng thái cảm xúc… Nguyễn Thành An chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên tư duy tốt hơn, hiểu sâu một vấn đề nào đó mà mình chưa có cơ hội kiểm chứng để kéo lý thuyết đến gần với thực hành hơn nữa”.

Nhìn từ góc độ bảo vệ môi trường, Đặng Thị Ngọc Ánh, sinh viên Trường đại học Khoa học (Đại học Huế), tác giả đề tài: “Nghiên cứu, sản xuất vật liệu kiến trúc - gỗ ép đa năng từ lục bình” đã mạnh dạn đưa cây lục bình thành gỗ tự nhiên với nhiều ứng dụng trong trang trí nội thất. Sau khi đưa ra ý tưởng và bắt tay nghiên cứu, đề tài của Ánh nhận định: Gỗ ép lục bình sử dụng kết cấu trợ lực lưới thép, lưới sợi lục bình cho thấy khả năng chịu lực cao hơn so với gỗ ép thuần bột dăm mảnh. Ứng dụng vào thực tế, sản phẩm gỗ ép đa năng từ lục bình có thể sử dụng hoàn toàn thay cho gỗ tự nhiên cũng như gỗ MDF hiện nay làm đồ nội thất, làm ván lót giàn giáo, lót sàn,… Ánh chia sẻ: “Mỗi khi em bắt tay nghiên cứu đề tài khoa học đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và đòi hỏi của môi trường sống chung quanh. Vì vậy, khoa học chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại áp dụng vào thực tiễn”. Với tính ứng dụng cao cũng như ý tưởng sử dụng vật liệu từ thiên nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học của Ánh đã đạt giải nhì Giải thưởng Euréka.

Một đề tài cũng hết sức thân thiện với môi trường, chung tay để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu là đề tài “Thiết kế đô thị Khu dân cư ven rạch Bà Lớn, quận 8, TP Hồ Chí Minh” do sinh viên Đỗ Nguyễn Trường Hải, Khoa Quy hoạch, Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thực hiện. Trên quy mô của vùng dự án chỉnh trang 43 ha kênh rạch để xây dựng nhà ở, Hải không đi theo xu hướng lấp những dòng kênh để bê-tông hóa bởi khối nhà chung cư sừng sững mà để những con rạch kết nối với nhau để tăng lưu lượng dòng chảy, điều tiết lưu lượng của thủy triều và quan trọng nhất là làm chậm đi sự biến đổi của khí hậu đang diễn ra rõ rệt. Đề tài của Hải còn tận dụng tối đa quỹ đất dư thừa sau khi cải tạo kênh rạch, quỹ đất ven các con rạch nhỏ nằm sâu trong khu dân cư để cải tạo thành các không gian vườn rau cộng đồng. Từ đó vừa tăng thêm mảng xanh cho đô thị, cung cấp lượng rau sạch cho người dân lại vừa giảm chi phí xây dựng và bảo trì công viên ven kênh rạch.

Đề tài của sinh viên Đỗ Nguyễn Trường Hải đã được chuyển giao cho UBND quận 8 để triển khai áp dụng trong công tác quy hoạch trên địa bàn. Ngoài ra, cũng có năm đề tài khác lọt vào vòng chung kết cuộc thi Euréka cũng đã được chuyển giao cho một số đơn vị, doanh nghiệp để ứng dụng vào công tác quản lý như đề tài “Thiết kế mô hình điện gió - xử lý nước thải cho tàu du lịch trên sông Sài Gòn” của nhóm tác giả Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh được chuyển giao cho Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương; đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học trong vỏ quả dó bầu của sinh viên Trường ĐH Y Dược được chuyển giao cho Công ty Evergreen Forest IS; đề tài “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ ứng dụng tìm nhà trọ trên thiết bị di động” của nhóm tác giả đại học Tài chính Marketing được chuyển giao cho Trường đại học Tài chính Marketing…

Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh PGS, TS Đỗ Văn Dũng nhận xét: Qua nhiều năm tổ chức, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka là sân chơi hữu ích và đầy trí tuệ dành cho sinh viên các trường đại học, học viện trong cả nước. Các đề tài tham gia giải thưởng có chất lượng ngày càng cao, nhiều đề tài có tính sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội và có khả năng khởi nghiệp.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/35230402-de-tai-sang-tao-khoa-hoc-cua-sinh-vien-duoc-ap-dung-hieu-qua.html