Để tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA

Ngày 1-8 , Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức đi vào thực hiện. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Liên hiệp châu Âu (EU) ký với một nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương . Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực này, nhất là EVFTA có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA nước ta đã ký. Nhân sự kiện này, Phóng viên NGUYỆT BẮC đã trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội chuyên gia về những kiến nghị nhằm hỗ trợ cộng đồng DN trong nước tận dụng hiệu quả các cơ hội hiệp định quan trọng này mang lại.

Ngày 1-8 , Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức đi vào thực hiện. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Liên hiệp châu Âu (EU) ký với một nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương . Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực này, nhất là EVFTA có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA nước ta đã ký. Nhân sự kiện này, Phóng viên NGUYỆT BẮC đã trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội chuyên gia về những kiến nghị nhằm hỗ trợ cộng đồng DN trong nước tận dụng hiệu quả các cơ hội hiệp định quan trọng này mang lại.

Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

...

Khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, gần 100% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, các DN Việt Nam ngoài việc được hưởng thụ những lợi ích mà EVFTA mang lại, còn phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn thực thi rất khắt khe. Do đó, các DN cần chủ động tìm hiểu kỹ hiệp định thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn về EVFTA; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về hiệp định, cơ hội thị trường EU tại trang thông tin điện tử của Bộ Công thương (địa chỉ evfta.moit.gov.vn) hoặc liên hệ trực tiếp Bộ Công thương nếu có thắc mắc trong quá trình vận dụng thực thi hiệp định. Bên cạnh đó, cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ; học tập, áp dụng các mô hình thành công để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình thực thi EVFTA, các DN cần đặc biệt lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động được quy định rất chi tiết trong hiệp định này, bao gồm: Quy định về chấm dứt hình thức lao động cưỡng bức; không được sử dụng lao động trẻ em; không được phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp tại nơi làm việc. Cùng với đó, lưu ý đến các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường; yêu cầu về quản lý rừng và lâm sản: gỗ và sản phẩm gỗ phải được khai thác hợp pháp cũng như yêu cầu về bảo vệ tài nguyên sinh vật biển và thủy sản;...

LƯƠNG HOÀNG THÁI
Vụ trưởng Đa biên, Bộ Công thương

Nhà nước cần đồng hành cùng doanh nghiệp

...

Việc Việt Nam ký và tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA sẽ đem đến những cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội, đòi hỏi DN phải tìm hiểu rõ các thông tin liên quan cũng như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu mới có thể tận dụng, khai thác hiệu quả các cơ hội mang lại. Khi tham gia EVFTA, các DN dệt may phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, nhưng thực tế cho thấy, từ trước đến nay chúng ta bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nguyên phụ liệu, phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... Mặt khác, nguồn cung tại chỗ hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 đến 10% nhu cầu sản xuất trong nước. Do đó, để hỗ trợ các DN dệt may tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA, Nhà nước cần có định hướng, “bật đèn xanh” cho các công ty nước ngoài đầu tư vào sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất cũng như đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, trọng điểm với cơ sở hạ tầng hiện đại để các DN trong nước tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó, bù đắp những “lỗ hổng” thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Ngoài ra, các DN phải tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng các chuỗi nhằm nâng cao giá trị cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco)

Chiến lược thị trường hợp lý

...

EU là khối thị trường chung, nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng khác biệt, chưa kể mỗi khách hàng có thể có những yêu cầu riêng. Trong bối cảnh DN Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế, cho nên cần có cách tiếp cận thị trường phù hợp. Với các thị trường “đầu tàu” truyền thống như: Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Bỉ, được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, DN trong nước cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng hiệu quả lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình. Mặt khác, thị trường EU là một thị trường có giá trị gia tăng cao, do đó rất nhiều nhà xuất khẩu trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Đồng thời, EU có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này cũng đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh các thị trường truyền thống, các DN vừa và nhỏ cần tìm hiểu, tiếp cận những thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng, chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh và đây được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt Nam vào sâu hơn nữa thị trường EU.

VŨ BÁ PHÚ
Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Nhiều cơ hội và thách thức cho xuất khẩu thủy sản

...

EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tại thị trường tiềm năng này. Thực tế, từ lâu nay EU vẫn là một trong những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 17 đến 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% số dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ ba đến bảy năm, chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá lớn về kim ngạch xuất khẩu. Hiện mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU. Hơn nữa, do EU là thị trường quan trọng cho nên nhiều năm qua các DN đã chuẩn bị mọi điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của EU như: hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics... Chính vì thế, có thể tận dụng ngay các lợi thế về thuế quan khi EVFTA có hiệu lực mà không quá lo ngại về các rào cản kỹ thuật từ thị trường này. Ngoài ra, EVFTA còn giúp các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như: Ấn Độ, Thái-lan, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a... Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra những thách thức cho thủy sản Việt Nam, nhất là việc truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản. Một trong những hạn chế hiện nay là Ủy ban châu Âu (EC) đang áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, ảnh hưởng đến việc trao đổi hàng hóa cũng như uy tín của ngành thủy sản nước ta. Hiện Việt Nam đang nỗ lực hết sức để nhanh chóng gỡ “thẻ vàng”, tận dụng hiệu quả lợi ích mà EVFTA mang lại.

TRƯƠNG ĐÌNH HÒE
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/de-tan-dung-hieu-qua-co-hoi-tu-evfta-610776/