Để tàu cá đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, kỷ luật người đứng đầu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng chức năng liên quan để tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Để tránh rào cản xuất khẩu, khai thác hải sản cần có nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: VNE

Để tránh rào cản xuất khẩu, khai thác hải sản cần có nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: VNE

Trong công văn số 7642 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ký gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển có thông báo rõ, trong tháng 10 này, Đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra tại một số địa phương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).

Đoàn Nghị viện châu Âu sẽ gồm 30 thành viên, trong đó có 8 nghị sỹ.

Trước đó, vào tháng 5-2018, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) cũng trực tiếp sang kiểm tra và làm việc tại Việt Nam. Đoàn đã ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN-PTNT trong việc triển khai các hành động chống khai thác IUU. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung, kết quả mà Đoàn thanh tra của EC chưa hài lòng.

Vì vậy, đến tháng 1-2019, Đoàn thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam một lần nữa để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở đánh giá của đợt kiểm tra này, Ủy ban châu Âu mới xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Như vậy, thời gian chỉ còn vài tháng nữa để EC quyết định có rút thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam hay không.

Để chuẩn bị nội dung và kết quả cho cuộc làm việc với Đoàn Nghị viện châu Âu sắp tới, trong công văn số 7642, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển đẩy nhanh tiến độ thu hồi tất cả các thiết bị Movimar để lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ tự động báo vị trí tàu về bờ; xử lý nghiêm tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản trên biển để cơ quan quản lý theo dõi, giám sát.

Kiểm tra, kiểm soát các tàu cá xuất nhập bến; kiểm soát sản lượng hải sản cập bến theo quy định; thanh tra, kiểm tra tại cảng, xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU; ghi nhật ký khai thác, thực hiện nghiêm việc xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác.

Tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, trong đó, không để xảy ra vụ việc tàu cá và ngư dân địa phương đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng chức năng liên quan để tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả về Bộ NN-PTNT vào ngày 20 hàng tháng.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-tau-ca-di-danh-bat-trai-phep-o-vung-bien-nuoc-ngoai-ky-luat-nguoi-dung-dau-550350.html