Để thẩm định trở thành 'công cụ mạnh' của ngành Tư pháp

Hoạt động thẩm định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp. Trong những năm qua, công tác thẩm định luôn được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện một cách kịp thời, có chất lượng, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh, uy tín của Bộ, ngành Tư pháp.

(Hình minh họa)

Theo Bộ Tư pháp, về số lượng, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018 (tính thời điểm triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015), Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 808 đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản (gồm 79 đề nghị xây dựng và 729 dự án, dự thảo văn bản). Nhìn chung, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật năm 2015.

Về chất lượng, các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã thể hiện đầy đủ các nội dung thẩm định theo quy định của Luật năm 2015, trong đó chú trọng tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, về thủ tục hành chính, lồng ghép bình đẳng giới. Ý kiến thẩm định cơ bản đã được cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản tiếp thu, giải trình cụ thể.

Về tiến độ, Bộ Tư pháp đã cố gắng để bảo đảm thời hạn thẩm định theo quy định của Luật năm 2015. Trong một số trường hợp, đã tập trung nguồn lực, rút ngắn thời gian thẩm định, đặc biệt là thẩm định các đề nghị xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch; chùm dự thảo nghị định về đầu tư, kinh doanh, về tổ chức, bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.

Chỉ riêng thẩm định đối với các quy định thủ tục hành chính, từ tháng 1/2017 đến tháng 7/2018, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, tiến hành thẩm định đối với 698 thủ tục hành chính tại 117 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL (gồm 19 luật, 84 nghị định, 9 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư) do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo.

Trong đó, Bộ đã đề nghị không quy định 16 thủ tục không cần thiết (chiếm tỷ lệ 2,3%); đề nghị sửa đổi 482 thủ tục không hợp lý (chiếm tỷ lệ 69,1% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản).

Mặc dù công tác thẩm định VBQPPL đã dần đi vào nền nếp, có chất lượng và đạt hiệu quả nhất định, góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của các dự thảo VBQPPL nhưng đôi khi còn mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định vẫn “cắt khúc”, thiếu gắn kết, đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp luật hoặc giữa nhiệm vụ thẩm định với các nhiệm vụ khác có liên quan. Có trường hợp vẫn để lọt những quy định thiếu tính hợp lý, khả thi, gây bức xúc dư luận (thời gian gần đây chủ yếu chỉ là những quy định trong thông tư của một số bộ, ngành như hạn chế một số loại giấy tờ làm thủ tục đi máy bay, ghi tên các thành viên hộ gia đình trên sổ đỏ…).

Để hoạt động thẩm định tới đây tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác của Bộ Tư pháp, rất nhiều ý kiến đã nêu lên các giải pháp đảm bảo cho hoạt động này trở thành công cụ mạnh của Bộ, ngành Tư pháp. Cụ thể, về mặt thể chế, Nhà nước cần có chiến lược hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với công tác thẩm định VBQPPL.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cần thẩm định; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo, đơn vị thẩm định và các cơ quan, đơn vị khác trong quá trình thẩm định, tiếp thu ý kiến. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa báo cáo đánh giá tác động và báo cáo thẩm định VBQPPL cũng như tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thẩm định thông qua các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo hướng hiệu quả và lâu dài…

T.Công

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/de-tham-dinh-tro-thanh-cong-cu-manh-cua-nganh-tu-phap-413001.html