Để thành phố Vinh vươn tầm trung tâm vùng Bắc Trung bộ

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ,...

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Bởi vậy, khi xem xét về quan điểm, mục tiêu phát triển cho đô thị Vinh phải đặt trong mối quan hệ không gian lãnh thổ với thị xã Cửa Lò, với Khu kinh tế Đông Nam và với Nam Đàn (quê hương Bác) trong bức tranh toàn cảnh Nghệ An. Mặt khác cũng phải xem xét đến không gian đôi bờ sông Lam mà Chính phủ đã có chỉ đạo về Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ - Bắc Hà.

Bên bờ sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn

Bên bờ sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn

Trước hết, phải xây dựng Vinh thành trung tâm đầu mối giao thông quan trọng của vùng, của quốc gia. Đây là vấn đề tiên quyết để liên kết nhanh, kết nối với hạ tầng khung Quốc gia, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, cảng biển nhằm thu hút và có sức lan tỏa của hệ thống giao thông với các đầu mối quan trọng.

Về đường bộ: Hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam, hoàn thiện trục giao thông ven biển kết nối với cầu Cửa Hội qua Hà Tĩnh. Đầu mối giao thông tuyến Quốc lộ Bắc - Nam kết nối Quốc lộ Đông Tây nối kết đường Hồ Chí Minh, đường lên Cửa khẩu Thanh Thủy liên kết với Lào - Thái Lan - Myamar (chú ý tuyến giao thông qua sông Lam - Hồng Lĩnh - Quốc lộ 8 liên kết với Lào qua Cửa khẩu Cầu Treo). Hệ thống giao thông đối ngoại này liên kết với hệ thống giao thông đối ngoại thành phố Vinh và với cảng biển quốc tế Cửa Lò, Cảng hàng không quốc tế Vinh và ga đường sắt Quốc gia thành phố Vinh.
Về đường sắt: Nâng cấp toàn tuyến, trong đó đường sắt hiện có và trong tương lai có tuyến đường sắt cao tốc xuyên quốc gia.

Cầu vượt Cửa Nam (TP. Vinh) về đêm. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Về đường thủy: Kết nối đô thị Vinh - Cửa Lò - Cửa Hội - sông Lam với hệ thống giao thông đường thủy, quy hoạch và xây dựng cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò.

Về đường hàng không: Nâng cấp sân bay đến năm 2020 đạt cấp 4E cho khoảng 2,5 đến 3 triệu hành khách/năm và phục vụ trong nước, các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Để xây dựng Vinh thành trung tâm về tài chính - thương mại, cần phải có quy hoạch phân khu rõ ràng trong quy hoạch chung thành phố Vinh mới được Thủ tướng phê duyệt. Hiện tại 6 tỉnh trong vùng cũng đều có trung tâm tài chính - thương mại, bởi vậy, Vinh phải có hướng quy hoạch tạo dựng được một trung tâm tài chính - thương mại có tầm vóc, tập trung được nhiều ngân hàng lớn, có thương hiệu cả trong và ngoài nước.
Về du lịch, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của cả nước và là sự ngưỡng mộ của khắp 5 châu, có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nếu chúng ta biết cách quy hoạch xây dựng và khai thác tốt vốn truyền thống cách mạng và lịch sử đặc biệt này. Ngoài ra, Nghệ An còn là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa, là cái nôi của văn hóa (Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh) nổi tiếng, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa nhân loại; truyền thống hiếu học và chịu đựng gian khó vươn lên. Bởi thế, đô thị Vinh phải có quy hoạch hệ thống các khách sạn đạt 4 sao, 5 sao phải đủ điều kiện cho các hoạt động văn hóa, du lịch của quốc gia, quốc tế, cùng những công trình du lịch khác hỗ trợ cho khách trong việc khám phá, tham quan quê hương Nghệ An (vùng biển, vùng núi) và nhất là tổ chức tuyến du lịch về thăm Kim Liên - quê Bác.

Sân vận động Vinh. Ảnh: Trung Hà

Về khoa học - công nghệ, với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học hiện có, cần làm việc cụ thể với Viện Hàn lâm khoa học quốc gia để xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm khoa học - công nghệ đúng tầm của vùng Bắc Trung bộ theo thế mạnh và đặc điểm của vùng. Việc xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao là xác định vị thế của đô thị Vinh trong vùng Bắc Trung bộ. Lựa chọn địa điểm trong quy hoạch thành phố Vinh để xây dựng khu này phải gắn kết với trung tâm khoa học và gắn kết với khu công nghiệp Bắc Vinh để triển khai trong các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Lĩnh vực công nghệ cao phải luôn là mục tiêu phấn đấu và áp dụng trong hoạt động công nghiệp của đô thị trung tâm vùng.

Về mục tiêu trung tâm y tế vùng, thành phố Vinh đã hình thành một trung tâm y tế với nhiều bệnh viện cấp thành phố và cấp vùng. Tuy nhiên, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang trở thành vấn đề lớn của xã hội. Vì vậy, Vinh phải có quy hoạch về y tế chăm sóc sức khỏe với chất lượng cao phục vụ mọi nhu cầu người dân.
Về văn hóa, thể thao, thành phố Vinh đại diện của Nghệ An có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng yêu nước và hiếu học. Từ xa xưa, Vinh - Nghệ An là cái nôi đào tạo nhiều nhà văn hóa, khoa học kiệt xuất. Để xây dựng Vinh sớm trở thành trung tâm văn hóa có ý nghĩa truyền thống cần phải có hệ thống các bảo tàng: Bảo tàng lịch sử cách mạng; Bảo tàng văn hóa ví, giặm với nghệ thuật đặc sắc được UNESCO vinh danh; Bảo tàng nghệ thuật (kết hợp hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…). Đặc biệt cần thiết xây dựng nhà hát ca kịch truyền thống và hiện đại, nhà hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (như Bắc Ninh đã xây dựng nhà hát quan họ).
Nghệ An có truyền thống về thể thao, nhất là bóng đá, điền kinh và lò đào tạo thế hệ bóng đá trẻ. Đội bóng Sông Lam Nghệ An là một thương hiệu mạnh cho nền bóng đá nước nhà. Tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng cần có chiến lược xây dựng lại trường đào tạo bóng đá trẻ cho Nghệ An và cả nước; xây dựng và đào tạo, tổ chức lại đội bóng Sông Lam Nghệ An- là 1 trong 3 đội mạnh nhất quốc gia.
Về giáo dục và đào tạo: Đây là thế mạnh của Vinh. Ngoài 6 trường đại học đã có, cần quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề phục vụ vùng Bắc Trung bộ và quốc tế (sinh viên Lào, Campuchia…). Trước năm 1975, Vinh là 1 trong 3 trung tâm đào tạo lớn của miền Bắc (Hà Nội - Thái Nguyên - Vinh). Điều quan trọng là cần có cơ chế để thu hút lực lượng lao động trong ngành có năng lực nhằm thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo.

Một góc Thành Vinh hôm nay. Ảnh: Sách Nguyễn

Xây dựng đô thị Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ là nhiệm vụ quan trọng và đầy thử thách. Thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị là một công việc mà Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà phải tổ chức triển khai thực hiện toàn diện mà thành phố Vinh là trung tâm. Như vậy việc triển khai công việc này phải chú trọng ở cả hai hướng: Phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An với chú trọng phát triển KT -XH thành phố Vinh. Cả hai hướng này phải bổ sung cho nhau và làm động lực cho sự phát triển của Nghệ An và thành phố Vinh.

Và chúng ta cũng cần phải thống nhất quan điểm: Không gian đô thị Vinh với thị xã Cửa Lò là một không gian liên tục; Vinh là đô thị biển. Đây là giá trị cốt lõi cho thành phố Vinh có sự phát triển kết nối về phía Đông, khai thác toàn bộ kinh tế biển (cảng, du lịch) làm phong phú, làm tăng thế mạnh và tính cạnh tranh đô thị so với nhiều đô thị biển Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở không gian biển, không gian kinh tế, không gian cho hoạt động văn hóa, du lịch phải hướng về phía Tây, đặc biệt là Kim Liên, Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị tinh thần và yếu tố lịch sử nhân văn mà chỉ ở Nghệ An mới có.

Trần Ngọc Chính

(Nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/de-thanh-pho-vinh-vuon-tam-trung-tam-vung-bac-trung-bo-217636.html