Đề thi học sinh giỏi chép của nước ngoài không ghi nguồn theo tôi là đạo văn

Sao chép các bài toán ở trang web của Ấn Độ và Pháp ở kì thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố nhưng không hề ghi nguồn là hành vi đạo văn, chứ không thể vô can.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/4/2021 đăng tải bài viết “Đề thi học sinh giỏi Vật lý lớp 12 của Sài Gòn rất giống của nước ngoài” khiến dư luận ngỡ ngàng. [1]

Nội dung bài báo cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp thành phố vào tháng 3/2021.

Sau kì thi này, có giáo viên giảng dạy môn Vật lí phát hiện đề thi môn Vật lý của lớp 12 có 7 bài rất giống với các bài toán đăng tải trên một số trang web của Ấn Độ và Pháp trước đó.

Thậm chí, Bài 7 có sự trùng hợp kể cả số liệu ở trang web doubtnut.com như sau:

Bài 7 của đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 12: “Động đất sinh ra sóng truyền trong lòng Trái Đất, không giống như trong môi trường các chất lưu khác, trong lòng đất có thể truyền sóng ngang (S) và sóng dọc (P).

Tốc độ chuẩn của sóng S là khoảng 4,0km/s, và sóng P là 8,0 km/s. Một địa chấn kế ghi nhận cả sóng P và sóng S từ tâm chấn của một trận động đất, ghi nhận cho thấy sóng P tới trước 4 phút so với sóng S.

Giả sử sóng truyền trên một đường thẳng, hỏi tâm chấn của trận động đất này cách địa chấn kế một khoảng cách là bao nhiêu?”

Bài 7 ở trang web doubtnut.com: “Earthwuakes generate sound waves inside the earth. Unilke a gas, the earth can experience both transverse (S) and longitudinal (P) sound waves. Typically, the speed of S wave is about 4.0 km.s^(-1), and that of P wave is 8.0 km.s^(-1). A seismograph records P and S waved from an earthquake. The first P wave arrives 4 min before the first S wave. Assuming the waves travel in straight line, how far away does the earthquake occur?”

Dịch sang tiếng Việt: “Động đất tạo ra sóng âm bên trong Trái Đất. Khi có một trận động đất thì nó phát ra cả sóng âm ngang (S) và sóng âm dọc (P). Thông thường, tốc độ của sóng S là khoảng 4,0 km/s, và tốc độ của sóng P là 8,0 km/s. Một máy đo địa chấn ghi lại P và S từ tâm chấn của một trận động đất. Sóng P đầu tiên đến trước sóng S đầu tiên 4 phút. Giả sử sóng truyền theo đường thẳng thì động đất xảy ra ở khoảng cách bao xa?”.

Đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 12 kì thi học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.

Đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 12 kì thi học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.

Điều đáng bất ngờ hơn là, ngày 27/4/2021, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ cấp Phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích:

“Đề thi từ ma trận yêu cầu cấu trúc đề thi học sinh giỏi, do hội đồng ra đề, chuyên viên phụ trách môn của Sở soạn đề.

Theo đúng quy định thì nguồn dữ liệu thì có thể lấy từ bất kỳ nơi đâu, miễn là chưa từng xuất hiện trong bất cứ đề thi nào tại Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây, đáp ứng được các chuẩn kiến thức và kỹ năng, năng lực của học sinh, không vi phạm yếu tố bản quyền trong kinh doanh, thuần phong mỹ tục, đạo đức hay chính trị… thì không cấm.

Theo vị đại diện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vậy, cũng lấy nguồn dữ liệu từ nước ngoài để kiểm tra chuẩn kiến thức, kỹ năng đó, nhất là đối với các môn về Khoa học Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh…

Vấn đề là đề thi của mình hỏi như thế nào để đáp ứng được chương trình của Việt Nam, đáp ứng được năng lực của học sinh Việt Nam.

Theo vị đại diện này, nếu sử dụng nguyên bản thì sẽ phải trích nguồn trong đề. Còn sử dụng nguồn dữ liệu để làm đề, trong đề thi không phải ghi nguồn nhưng khi duyệt đề phải giải thích cho hội đồng đề thi biết sử dụng nguồn từ trang web nào.”

Nhận thấy câu trả lời của vị đại diện Sở Giáo dục chưa thỏa đáng, ngày 29/4/2021, chúng tôi gửi câu hỏi “Đề thi học sinh giỏi môn Vật lí sao chép hoàn toàn của nước ngoài có vi phạm hành vi đạo văn hay Luật Sở hữu trí tuệ gì không” (kèm link nội dung bài báo) đến một văn phòng luật ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được phản hồi của nhân viên tư vấn luật như sau:

“Trường hợp này, nếu những bài toán ở trang web của Ấn Độ và Pháp đã được cá nhân đăng kí quyền sở hữu thì hành vi sao chép như vậy là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Còn những bài toán ở trang web doubtnut.com không đăng kí quyền sở hữu thì không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vi phạm về hành vi đạo văn”.

Như thế có thể thấy, người sao chép các đề Vật lí ở trang web của Ấn Độ và Pháp đã vi phạm một trong hai hành vi về Luật Sở hữu trí tuệ hoặc đạo văn. Còn hiểu đơn giản nhất, sao chép tài liệu nhưng không hề ghi nguồn cụ thể theo quy định là hành vi đạo văn – chứ không thể vô can.

Vậy, thế nào là “đạo văn”? Thế nào là “xâm phạm quyền tác giả”?

Dân Luật – Mạng cộng đồng ngành luật cho biết, “theo các từ điển tiếng Việt, “đạo” có nghĩa là lấy hoặc căn bản lấy sáng tác của người khác làm thành của mình.

Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/ thừa nhận tác giả của những nội dung đã sử dụng.”

Còn “hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ. Bất kỳ cá nhân, tổ chức khi chưa có sự cho phép của chủ thể quyền mà thực hiện hành vi xâm phạm một trong các quyền độc quyền chẳng hạn như quyền độc quyền sao chép, cho thuê, làm tác phẩm phái sinh, công bố hoặc phân phối tác phẩm,… thì đều bị coi là đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ một số trường hợp đặc biệt không bị coi là xâm phạm quyền tác giả nếu có căn cứ chứng minh hành vi đó thuộc trường hợp “sử dụng hợp lý””.

Cũng theo Dân Luật – Mạng cộng đồng ngành luật, hành vi đạo văn và xâm phạm quyền tác giả sẽ bị cơ quan thực thi, xử lí theo thẩm quyền.

Cụ thể, hội đồng chức danh học thuật, Hiệu trưởng hoặc các hội đồng thuộc các trường hoặc viện khoa học xử lí hành vi đạo văn.

Còn bộ máy thực thi quyền sở hữu trí tuệ như công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, tòa án xử lí hành vi xâm phạm quyền tác giả. [2]

Chúng tôi hỏi ý kiến một số giáo viên giảng dạy môn Vật lí (các giáo viên này đề nghị không nêu tên) bậc trung phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh về việc viết “Đề thi học sinh giỏi Vật lý lớp 12 của Sài Gòn rất giống của nước ngoài” thì nhận được sự phản hồi sau đây.

Giáo viên 1: “Người ra đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 12 chắc chắn là chuyên viên và đội ngũ giáo viên dạy giỏi của các trường. Minh chứng là họ có khả năng đọc tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp rồi ra đề. Thế nhưng, việc sao chép đề thi trên các web cho thấy giáo viên thiếu sự đầu tư nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.”

Giáo viên 2: “Có ai cùng nghĩ như mình: Làm đề thi không khó! Chỉ cần chịu khó dịch bài”.

Giáo viên 3: “Tôi nghi ngờ đề thi môn Vật lí các năm trước và kể cả đề thi Olympic tháng Tư mở rộng ngày 17/4/2021 cũng có hiện tượng sao chép như thế này”.

Chúng tôi nhận thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần vào cuộc xác minh mức độ sao chép của đề thi học sinh giỏi môn Vật lí lớp 12 ở mức độ nào để có hướng xử lí nghiêm minh cá nhân, nhóm ra đề.

Còn nếu viện dẫn “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vậy, cũng lấy nguồn dữ liệu từ nước ngoài để kiểm tra chuẩn kiến thức, kỹ năng đó, nhất là đối với các môn về Khoa học Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh…” để bao che cho hành vi sao chép như đã phân tích, thì chỉ khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội càng thêm bất bình.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-hoc-sinh-gioi-vat-ly-lop-12-cua-sai-gon-rat-giong-cua-nuoc-ngoai-post217353.gd

[2] //mdanluat.thuvienphapluat.vn/phan-biet-dao-van-va-xam-pham-quyen-tac-gia-189779?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bài, ảnh: Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-hoc-sinh-gioi-chep-cua-nuoc-ngoai-khong-ghi-nguon-theo-toi-la-dao-van-post217439.gd