Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tại Hà Nội: Đề cao sự giao thoa giữa lý trí và cảm xúc

Ngày 3/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi học sinh giỏi dành cho học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Trong đó, đề thi Ngữ văn được nhiều thầy cô nhận xét 'đề mở, có tính giáo dục cao và khơi gợi sự sáng tạo ở học sinh'.

Nữ sinh Hà Nội (Ảnh minh họa)

Nữ sinh Hà Nội (Ảnh minh họa)

Đề văn mở

Đề thi học sinh giỏi (HSG) môn Ngữ văn có hai câu hỏi; nghị luận xã hội: 8 điểm và nghị luận văn học: 12 điểm. Cả hai câu hỏi đều thu hút sự chú ý của cộng đồng người yêu văn và được đánh giá cao về mức độ yêu cầu thí sinh tư duy hướng đến dạy học phát triển năng lực.

Nhận xét chung về đề thi, cô Vũ Thị Đỗ Quyên, GV Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Câu nghị luận xã hội mang tính mở, tạo cho HS cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Câu nghị luận văn học tránh được bài văn mẫu. Tác phẩm văn học được đặt trong đời sống, có cuộc sống đồng hành cùng với sự phát triển của thời đại.

Với đề thi kiểu này, HS không thể học tủ, học vẹt theo bài mẫu. Các em phải có tư duy độc lập, kể cả tư duy phản biện để có cái nhìn mới về văn học.

Đồng quan điểm, cô Hà Hồng Chuyên, GV Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội) cho rằng, đây là dạng đề mở – mở ở việc để cho học sinh lựa chọn nội dung bàn luận và lựa chọn phạm vi tư liệu, dẫn chứng trong đời sống, trong văn học và nhiều lĩnh vực khác để đưa vào bài viết của mình. Đề thi yêu cầu HS có khả năng phân tích, bàn luận để tìm ra vấn đề có giá trị nhất, gắn với đời sống thực tiễn xã hội. Vì vậy, HS cần có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng với thực tiễn xã hội.

Đòi hỏi học sinh phải có nhiều kỹ năng, thao tác

Ở phần nghị luận xã hội (câu 1), đề đặt ra yêu cầu HS trình bày cảm nghĩ về lời nhắn nhủ của La Fontaine: “Hãy học suy nghĩ bằng trái tim và hãy học cảm xúc bằng lý trí”. “Với tôi đây là câu hỏi hay, có tính giáo dục cao và gợi mở cho học sinh nhiều điều”, cô Nguyễn Thị Tuyết, GV Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ.

Câu nghị luận xã hội đề cao sự giao thoa giữa lý trí và cảm xúc. Lời nhắn nhủ của La Fontaine: “Hãy học suy nghĩ bằng trái tim và hãy học cảm xúc bằng lý trí” với những yếu tố tưởng chừng rất mâu thuẫn, đối lập, nhưng nhắc nhở chúng ta cần có sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm, cảm xúc để có sự cân bằng trong cuộc sống.

HS có thể đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để nhận định rằng: Trong thế giới đầy rẫy những lời giả dối, những điểm mù, mặt nạ mang hình người…, việc nhìn thấu bản chất của một sự việc, của hành động hay của một người không tránh khỏi khó khăn. Thực ra, lý trí và cảm xúc không thống nhất khiến chúng ta thường đưa ra những quyết định sai lầm. Khi tìm giải pháp cho một vấn đề, người ta cần suy nghĩ và hành động tuân theo lý trí. Vậy làm thế nào để cân bằng giữa lý trí và cảm xúc? Làm thế nào để ta có một trí tuệ cảm xúc đúng đắn? Làm thế nào để biết lúc nào ta nên dùng cảm xúc để truyền tải lý trí và ngược lại, dùng lý trí để bộc lộ cảm xúc của mình? Mỗi cá nhân cần tránh những suy nghĩ cảm tính nhưng cũng cần hạn chế cách sống lý tính cực đoan sẽ khiến con người khô khan cảm xúc, hành động duy lý cứng nhắc. Bài làm đòi hỏi HS nhiều kỹ năng, thao tác như giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.

Tạo điều kiện để học sinh phá cách

Theo cô Hà Hồng Chuyên, câu hỏi về nghị luận văn học (câu 2) yêu cầu bằng những trải nghiệm văn học, HS bình luận về nhận định:“Không phải là một cái gì đó cố định và bất biến, mỗi tác phẩm văn học mang ý nghĩa của một cuộc đối thoại về cả hình thức cũng như nội dung”. Câu hỏi không trói buộc vào một tác phẩm cụ thể, tạo điều kiện để học sinh phá cách, bùng phát và khai phóng cảm xúc trong diễn đạt và lập luận.

Đề yêu cầu thí sinh trình bày cách hiểu của mình bằng những trải nghiệm đọc các tác phẩm văn học. Đề thi thể hiện đúng quan điểm không chọn những em học sinh có khả năng phân tích đều mà chọn những em có điểm sáng, có chất văn riêng và có lối suy nghĩ ấn tượng.

Gần đây, xuất hiện nhiều đề Ngữ văn ghi những dấu ấn đặc biệt trên hành trình đổi mới dạy học và đánh giá môn Ngữ văn. Nếu trước đây, đề Ngữ văn “truyền thống” nặng về học thuộc, học tủ thì giờ cách dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn nghiêng theo hướng đòi hỏi tư duy, quan điểm, suy nghĩ thật của các em. Đặc biệt môn Ngữ văn trong chương trình mới hướng đến phát triển năng lực người học.

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết, muốn giải quyết yêu cầu này của đề, ngoài việc vận dụng thao tác giải thích để xác định vấn đề lý luận văn học được nêu ra, học sinh cần lựa chọn đúng, hợp lý dẫn chứng chứng minh. Phần phân tích và chứng minh trong bài văn nghị luận chiếm một vị trí quan trọng, quyết định việc bài văn có được triển khai đúng hướng, vấn đề có được sáng rõ hay không và khả năng cảm thụ văn chương của học sinh như thế nào.

“Hướng ra đề thi như thế này có tác dụng tốt với học sinh, làm giảm tình trạng học “vẹt”, học sáo mòn trong các nhà trường”, cô Tuyết chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-tai-ha-noi-de-cao-su-giao-thoa-giua-ly-tri-va-cam-xuc-4037997-b.html