Đề thi minh họa là cơ sở ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo nhận định, nội dung các đề thi tham khảo năm nay kiến thức tương đối dễ, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, tuy nhiên vẫn có phần phân loại thí sinh. Đây là cơ sở để các trường có định hướng ôn tập cho học sinh lớp 12.

CẤU TRÚC ĐỀ THI KHÔNG THAY ĐỔI

Năm 2024 là năm cuối cùng học sinh khối 12 học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, đề thi minh họa năm nay cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Các câu hỏi ra trong đề đảm bảo tính khoa học, chính xác, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT năm 2006 nhưng vẫn đảm bảo được tính phân hóa để xét tuyển vào các trường đại học. Một trong những điểm khác biệt của đề thi minh họa năm nay là ở một số môn sẽ tăng cường các câu hỏi mang tính chất vận dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Tiền Giang trong giờ học.

Trong 5 bài thi, Ngữ Văn là bài thi tự luận duy nhất. Nội dung đề thi không thay đổi nhiều so với các năm trước, với tỷ lệ điểm tập trung vào 2 phần chính là đọc hiểu 30% và làm văn 70%. Đề thi tham khảo của bài thi Toán gần như không có sự thay đổi so với đề thi chính thức năm 2023. Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi những năm gần đây, tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ GD-ĐT đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, khoảng 40 câu đầu tiên là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu; 10 câu hỏi cuối được đánh giá là phân loại thí sinh với những bài toán khó.

Đề thi minh họa của bài thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng được đánh giá tương đối dễ, các kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Theo đó, mỗi môn thi thành phần vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút. Các đề thi tham khảo thành phần bám sát cấu trúc, kỹ năng, đặc biệt là bám sát các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Đối với đề thi tham khảo Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) năm nay được đánh giá bám sát nội dung chương trình học. Đề thi các môn Tổ hợp Khoa học xã hội được đánh giá có tỷ lệ câu hỏi mang tính chất vận dụng thực tiễn nhiều.

Đề thi môn Tiếng Anh được đánh giá là không quá khó đối với học sinh lớp 12. Cấu trúc của đề thi vẫn giữ như năm 2023 về độ phân hóa và phù hợp với năm cuối học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT năm 2006.

Đề kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc. Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12, số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó.

ÔN TẬP NHƯ THẾ NÀO?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, theo nhiều giáo viên dạy lớp 12 THPT, đề thi tham khảo đúng như tên gọi của nó dành cho mục đích để tham khảo, giúp giáo viên và học sinh phân loại, khái quát cấu trúc đề và đưa ra định hướng trong công tác ôn tập. Tuy nhiên, đề thi chính thức sẽ có một số thay đổi nhất định, do đó, học sinh lớp 12 không nên chủ quan mà cần đưa ra giải pháp ôn tập toàn diện.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28-6. Ngày 26-6, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Thí sinh dự thi năm nay sẽ bắt buộc thi 4 trong số 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh và chọn 1 trong 2 bài thi thuộc Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Đơn cử như môn Ngữ Văn, theo cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho), từ đề thi minh họa, để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải có kiến thức cũng như kỹ năng làm bài. Về kiến thức, học sinh phải nắm tốt các kiến thức về thể loại văn bản, kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp, nội dung các văn bản đã được học.

Về kỹ năng, học sinh phải nắm chắc kỹ năng viết, kỹ năng trình bày, kỹ năng tạo lập văn bản… Bên cạnh đó, bài làm môn Ngữ Văn muốn có điểm cao cần thêm các yếu tố khác như tính sáng tạo (liên hệ so sánh, kiến thức lý luận văn học...); khả năng diễn đạt (biểu cảm, dùng từ, đặt câu...).

Thời điểm này, các trường THPT trên cả nước đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh thực hiện kiểm tra giữa học kỳ II. Theo lãnh đạo nhiều trường THPT, sau khi hoàn tất công tác chấm bài, các trường sẽ họp các tổ chuyên môn để có những phân tích, đánh giá một lần nữa về cấu trúc đề thi để từ đó đưa ra chiến lược ôn thi cụ thể cho từng môn học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, các trường cần tiến hành họp các tổ chuyên môn để phân tích đề thi, định hướng ôn tập cho học sinh. Hiện tại sau khi kiểm tra giữa học kỳ II xong, các trường tiếp tục thực hiện chương trình còn lại của học kỳ II. Bên cạnh việc hoàn thành chương trình, các trường THPT cần chú trọng công tác bồi dưỡng, phụ đạo, lấy lại kiến thức cho học sinh khối 12.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202403/de-thi-minh-hoa-la-co-so-on-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-1006354/