Đề thi môn Ngữ văn chính thức năm nay không hay bằng đề thi dự bị

Thực tình, khi đọc đề dự bị môn Ngữ văn năm nay chúng tôi vẫn cảm thấy tiếc. Giá như đề dự bị trở thành đề thi chính thức thì có lẽ hay hơn cho thí sinh.

Thông thường, mỗi môn thi bao giờ cũng có một đề thi chính thức và một đề thi dự bị. Trong đó, đề thi chính thức vẫn được người ra đề chú ý hơn, đầu tư nhiều hơn và đề thi Văn cũng vậy.

Ra một đề Văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bao giờ cũng là một việc làm có phần căng não của những thầy cô tham gia ra đề. Dù cố gắng đến bao nhiêu thì sau khi thi vẫn đều có những ý kiến trái triều của dư luận- đó là điều mà chúng ta thường thấy.

Các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa TTXVN)

Các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa TTXVN)

Điều quan trọng nhất của một đề thi nói chung và đề thi Văn nói riêng là không đánh đố học trò, không làm khó học trò nhưng phải có tính phân hóa và đề chắc chắn phải tường minh.

Nhìn từ 2 đề thi môn Ngữ văn năm nay, chúng tôi cảm thấy tiếc bởi nếu đề thi dự bị được làm đề thi chính thức có lẽ sẽ hay bởi đề dự bị có nhiều ưu điểm so với đề thi chính thức.

Năm nay, vì sự cố giám thị ở Lào Cai ký nhầm vào ô giám khảo và có 1 thí sinh ở Sơn La ghi số báo danh không đúng nên 4 thí sinh phải thi lại môn Ngữ văn vào buổi thi cuối cùng.

Vì thế, khi so sánh 2 đề thi chính thức và dự bị cũng như khi Bộ Giáo dục công bố đáp áp thì chúng tôi thấy đề thi dự bị rõ ràng, trọng tâm và không gây khó khăn cho các thí sinh.

Đề dự bị giúp cho thí sinh dễ trả lời, dễ nêu chính kiến ở cả những câu vận dụng thấp và phần nghị luận văn học cũng dễ cảm nhận hơn.

Về cấu trúc đề thi thì 2 đề đều như nhau. Phần đọc hiểu có 4 câu 3 điểm và phần làm văn có 2 câu 7 điểm.

Phần đọc hiểu của đề chính thức được lấy từ 2 khổ đầu bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Bài thơ này cũng khá quen thuộc với thế hệ thầy cô và những người đã đứng tuổi nhưng nó còn xa lạ đối với học sinh bây giờ.

Nhất là trong một bài thơ có đến 9 khổ thì 2 khổ đầu chưa phải là nội dung trọng tâm nhất. Vì thế, những yêu cầu trong phần đọc hiểu có phần làm cho thí sinh khó khăn.

Chúng ta đọc lại câu 2,3,4 của phần đọc hiểu và đối chiếu với đáp án đã công bố sẽ thấy rằng để lấy được trọn vẹn điểm ở phần này không phải thí sinh nào cũng có thể làm được.

Trong khi, theo hướng dẫn hiện nay thì đây là phần “gỡ điểm” của thí sinh mà những thầy cô dạy Văn vẫn nói vui là phần “cho điểm” để học trò không bị điểm liệt.

Phần làm văn có 2 câu: câu 1 (2 điểm) là câu vận dụng thấp nhưng chúng tôi thấy rằng câu hỏi này không rõ ràng, nó vẫn còn chung chung cho thí sinh khi tiếp cận.

Bởi vì đề yêu cầu từ đoạn ngữ liệu, thí sinh viết đoạn văn về “sức mạnh và ý chí của con người trong cuộc sống” là một phạm vi rộng, nó không khu biệt về một đối tượng cụ thể.

Câu 2 thì yêu cầu cảm nhận về đoạn văn trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là một đoạn văn ngắn trong một tác phẩm văn học khó, lối văn sử dụng nhiều câu phức nên thực sự là một thử thách cho nhiều thí sinh.

Trong khi đó, đề thi dự bị có phần dễ hiểu hơn, phù hợp hơn cho cả đối tượng thí sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và thi lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.

Khác với đề thi chính thức, ngữ liệu trong đề thi dự bị là một đoạn văn xuôi của một văn bản nước ngoài nhưng cách lập luận chặt chẽ, rõ ràng. Nhất là đoạn ngữ liệu này có nhiều từ ngữ hay.

Vì vậy, 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu được người ra đề lựa chọn khá phù hợp và câu hỏi khá tường minh. Đặc biệt, các câu hỏi nhỏ này vẫn “có đất” cho thí sinh trình bày chính kiến của mình một cách thoải mái bởi định hướng của đề cũng khá rõ.

Đặc biệt, chúng tôi thấy phần làm văn cả 2 câu hỏi đều khá hay, phù hợp và gần gũi với thí sinh hơn.

Câu 2 điểm yêu cầu viết một đoạn văn “về ý nghĩa của việc nắm bắt cơ hội đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay”.

Rõ ràng, đề này đã được hướng tới đối tượng cụ thể là “tuổi trẻ”. Với dạng đề này rất phù hợp đối với tuổi của đa phần các thí sinh. Các em dễ dàng đưa ra được những nhận định thực tế của mình chứ không cần phải "lên gân" để viết những câu văn chung chung như đề chính thức.

Nhất là câu 2 (5 điểm) yêu cầu cảm nhận về 8 câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng khá hay, dễ cảm nhận và quen thuộc với các thí sinh.

Yêu cầu về bút pháp lãng mạn cũng rất dễ tìm thấy trong đoạn thơ này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đề dự bị mới là đề hay và phù hợp với thí sinh hơn.

Sau khi thi môn Ngữ văn, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, chúng ta đã thấy có khá nhiều bài viết phân tích về đề văn chính thức. Tất nhiên, chuyện khen hay chê cũng là điều dễ hiểu.

Những ý kiến cũng chỉ có một mong muốn duy nhất là đề thi sẽ gần hơn với học trò, không đánh đố học trò nhưng phải có những đột phá, sáng tạo và nhiều chất văn.

Thực tình, khi đọc đề dự bị môn Ngữ văn năm nay chúng tôi vẫn cảm thấy tiếc. Giá như đề dự bị trở thành đề thi chính thức thì có lẽ hay hơn cho thí sinh tham dự kỳ thi.

Nói gì thì nói, mỗi đề Văn cần phải sáng tạo, tránh một lối mòn và sự áp đặt của người lớn để thí sinh có thể trình bày được quan điểm, chính kiến của mình một cách cụ thể thì mới là đề hay.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-mon-ngu-van-chinh-thuc-nam-nay-khong-hay-bang-de-thi-du-bi-post199943.gd