Đề thi môn Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 tại Bến Tre năm học 2018 - 2019

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Bến Tre, thí sinh làm bài 3 môn thi chung gồm: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, thí sinh đăng ký thi vào trường THPT chuyên sẽ thi thêm một môn chuyên....

Hình thức thi các môn là tự luận, riêng môn tiếng Anh áp dụng hình thức phù hợp để đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, hiểu. Cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh đã hoàn thành xong bài thi môn Ngữ Văn.

Điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm thi 3 môn, trong đó Toán, Ngữ văn hệ số 2, tiếng Anh hệ số 1 cộng với điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có) và cộng điểm bình quân học tập và rèn luyện các năm học lớp 6, 7, 8, 9. Điểm trúng tuyển được lấy từ cao xuống thấp theo nhóm nguyện vọng cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với điểm xét tuyển của trường THPT chuyên là lấy tổng số điểm các bài thi, trong đó môn chuyên hệ số 2, các môn còn lại hệ số 1; xét từ cao xuống thấp.

Ảnh minh họa.

Năm nay, học sinh không trúng tuyển vào trường THPT chuyên được tham gia xét tuyển nguyện vọng vào các trường THPT không chuyên. Đối với các cụm nguyện vọng có nhiều nguyện vọng tuyển sinh, thí sinh không đậu vào nguyện vọng 1 sẽ được tuyển lần lượt theo thứ tự nguyện vọng trong cụm nguyện vọng. Mỗi lần chuyển sang nguyện vọng kế tiếp để xét tuyển, thí sinh bị trừ 2 điểm khi đưa vào danh sách xét tuyển. Riêng thí sinh không đậu trường THPT chuyên tham gia xét tuyển nguyện vọng sẽ không bị trừ điểm.

Được biết, điểm cộng khuyến khích chứng nhận nghề phổ thông chỉ áp dụng trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm học 2018-2019. Các năm sau sẽ bỏ điểm khuyến khích này.

Sau đây là đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 tại tỉnh Bến Tre:

Câu 1: (5 điểm)

Đọc đoạn văn, thực hiện các yêu cầu sau:

Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
- Quê anh ở đâu thế? Họa sĩ hỏi.

- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn…

(Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, Tập 1, NXBGD)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn.

b. Phân tích cấu tạo ngữ pháp câu văn sau: Năm trước, cháu tưởng cháu đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không.

c. Qua đoạn văn, theo em có thể giải thích vì sao anh thanh niên lại từ chối Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn…

d. Viết đoạn văn nghị luận (không quá 5 câu) trình bày cảm nhận của em về đoạn văn trên.

Câu 2: (5 điểm)

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình... ”

(Ánh trăng - Nguyễn Duy)

Bằng sự hiểu biết về bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy, hãy phân tích đoạn thơ trên và qua đó em có suy nghĩ gì?

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/de-thi-mon-ngu-van-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-ben-tre-nam-hoc-2018-2019-post264292.info