Đề thi toán tốt nghiệp THPT quá khó: Để học sinh không nằm trong 'cuộc chiến' giữa người dạy và người ra đề

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc nhưng dư âm của nó còn để lại nhiều tranh cãi, trong đó có độ khó của môn toán.

TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân (Khoa Toán-Cơ-Tin học Trường ĐH KHTN, ĐHQG, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Người ra đề có cần phải đưa ra một đề toán khó đến như vậy? Làm gì để học sinh không phải là đối tượng đứng giữa “cuộc chiến” của người dạy và người ra đề? TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gửi tới Lao Động bài viết tâm huyết về vấn đề này. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc, coi như một góc nhìn riêng có tính xây dựng cho cách dạy và ra đề trong những đợt tuyển sinh tới.

Đề toán: Khó hơn mức cần thiết

Một cảm nhận của tôi sau khi xem đề thi THPT quốc gia môn toán 2018 là nó có vẻ dài (và do đó khó) hơn mức cần thiết. Khó như thế nào thì đã có nhiều chuyên gia, nhiều thầy, cô giáo, và kể cả các em học sinh vừa thi bình luận. Tôi xin không phân tích nữa. Theo quan điểm cá nhân, một đề thi chung cho cả nước như vậy thì nên phục vụ 2 mục đích chính: Phân loại và đánh giá. Phân loại là để giúp cho các trường với các phân cấp khác nhau có thể tuyển sinh viên phù hợp cho mình. Đề thi vừa rồi có thể giúp chúng ta nhận biết được những bạn rất giỏi - tương ứng trên 9 chẳng hạn. Đề cũng khắc phục được tình trạng đánh đồng rất nhiều bạn ở top trên như năm ngoái (mưa điểm 10). Nhưng tôi không rõ nó có thể phân loại tốt học sinh ở các mức còn lại hay không. Tôi xin nhắc lại là “chưa rõ”, chứ chưa khẳng định gì. Chúng ta có thể đợi một thống kê chuẩn về phổ điểm (nếu được công bố) để phân tích thêm. Về mặt đánh giá, tôi cho rằng một kỳ thi mang tính tổng kết như thế này cũng nên phản ánh được tương đối học lực của các em khi học THPT. Có bao nhiêu học sinh được 8-9 phẩy toán trong lúc học? Và bao nhiêu em được 8-9 điểm với bài thi vừa rồi?

Làm cái gì cũng có cái khó. Chúng ta phải bắt tay vào làm mới thấy được rõ. Cả người ra đề, người dạy, người học đều có những thuận lợi và khó khăn riêng với hình thức thi trắc nghiệm và được sử dụng máy tính với rất nhiều tính năng hỗ trợ. Tôi xin tập trung vào mặt khó khăn và đưa ra một giải pháp mà tôi nghĩ có thể triển khai và khắc phục phần nào những khó khăn đó.

Những “cuộc chiến”

Tôi không ở trong Ban ra đề vừa rồi. Tôi đoán một tình huống sau rất có thể đã xảy ra. Không ai biết hết được với những “thủ thuật”, “bí kíp”, “kiến thức đại học được lôi xuống”, và lại không phải giải thích cách làm thì học sinh có thể làm những gì. Nếu không chọn giải pháp ra đề dài và bài “chống casio”, học sinh có thể dùng casio để bấm ra hết các bài trong bài thi. Và lại mưa điểm 10. Và lại bị dư luận nói. Có lẽ vì vậy mà những người ra đề phải chọn giải pháp an toàn. Ra đề bài dài, khó. Hỏi nhiều bài dưới dạng tham số hoặc trung gian, tránh trường hợp bấm máy trực tiếp là ra ngay. Tuy nhiên, điều này thường lại dẫn đến việc bản chất thực sự, tính tự nhiên của bài toán bị mất đi.

Về phần người dạy và người học. Với dạng thi trắc nghiệm và thí sinh được dùng máy tính, có rất nhiều chủ đề có thể hỏi, có rất nhiều cách hỏi mới. Có những bài phương trình hàm, phương trình vi phân tuyến tính - những thứ vốn dành cho lớp chuyên hoặc kiến thức đại học, giờ hoàn toàn có thể được lấy cho các em học sinh làm và gắn mác VDC vào. Với một số bài đó giờ các em có thể dùng phương pháp chọn những hàm số đặc biệt cộng với việc dựa vào các phương án trả lời để chọn ra phương án đúng. Và các thầy cô luôn muốn chuẩn bị những thứ tốt nhất cho học trò mình. Rất nhiều người trong số họ dạy tràng giang đại hải với tâm lý “dạy thừa còn hơn bỏ sót”. Lôi các kỹ thuật trên đại học xuống, dùng đủ các thứ “bí kíp”, “kỹ thuật máy tính”, miễn là ra kết quả là được. Với nhiều người chưa hiểu rõ về cách họ dùng thủ thuật máy tính như thế nào, tôi xin dừng một chút để giải thích bằng một ví dụ trực quan như sau. Đối với tương đối nhiều bài toán, việc dùng tư duy, lập luận thông thường để giải nó giống như việc chạy bộ thẳng từ Nhà hát Lớn ra Bờ Hồ. Trong khi một số cách dùng “thủ thuật” họ sẽ bắt các bạn đi một con đường vòng vèo để có thể sử dụng máy tính - nó giống với việc giờ họ bắt các bạn đi xe ôm ra khu Bách Khoa, rồi từ đó bắt xe buýt về Bờ Hồ. Rõ ràng nếu chạy bộ thẳng ra Bờ Hồ vừa là một lựa chọn tự nhiên hơn, vừa có lợi cho sức khỏe hơn. Quay trở lại với mạch chính. Trong tình huống như vậy, mọi người sẽ không hề ngạc nhiên khi trong các nhóm học tập ở Facebook - một trong những trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay, ngập tràn những “bí kíp bấm máy 30 giây”, “30 phút hạ gục lượng giác”, “bí kíp học chỉ cần thay số tự động điểm 7-8”,... Rất nhiều trong số đó đến từ các “thầy” đang là sinh viên đại học, hoặc đã tốt nghiệp những ngành chả liên quan gì đến giáo dục. Nhưng thật đáng tiếc, chúng còn đến từ những thầy, cô ở cấp 3 hoặc đại học và đang có tầm ảnh hưởng lớn đến số đông học sinh. Bị quảng cáo và bị dạy như vậy, phần đông các em học sinh sẽ như bơi trong một đống các kiên thức không được sắp xếp, cái gì cũng quan trọng, cái gì cũng phải biết, phải học, và học thì lại không học cái gốc - học thủ thuật và bí kíp là nhiều.

Theo tôi, người ra đề, người dạy, và người học đang trong một... “cuộc chiến”. Dạy và học thủ thuật, ra đề chống thủ thuật, rồi là thủ thuật chống các bài đó, rồi lại ra đề chống,... Và những bài toán chúng ta học, giải quyết, thi,... ngày càng lạ so với thế giới.

Giải pháp khắc phục

Tôi muốn đưa ra một giải pháp có thể khắc phục tình trạng trên. Hình thức thi vẫn là trắc nghiệm và được dùng máy tính. Nhưng giờ bài thi sẽ được chia làm 2 phần. Phần đầu khoảng 25-30 câu cơ bản, được dùng máy tính, và làm trong khoảng 30 phút. Mục đích của phần này là để phân loại đến mức 5-6 điểm và qua đó phục vụ mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT. Phần sau là khoảng 20-25 câu/60 phút, không được dùng máy tính, thậm chí có những câu ở dạng trắc nghiệm điền đáp số (chứ không phải lựa chọn A, B, C, D cho sẵn). Phần này sẽ chú ý hơn tới việc phân loại học sinh ở các mức khá, giỏi, xuất sắc. Những câu ở phần này sẽ theo hướng vận dụng hoặc vận dụng cao.

Theo tôi, phương án này là khả thi và sẽ giảm áp lực đáng kể lên cả người ra đề, người dạy, lẫn người học. Chúng ta sẽ không cần phải lo đến việc ra đề chống máy tính. Các câu ở phần một sẽ cơ bản, máy tính hay không máy tính là như nhau. Ở phần hai, vì không phải lo máy tính, chúng ta có thể chọn những câu dễ thở hơn, giữ nguyên bản chất bài toán, không phải lo ẩn, giấu bài toán đi. Và nếu thêm cả lựa chọn trắc nghiệm điền đáp án, chúng ta không phải tính đến chuyện cả một bài toán khó có thể bị phá bởi phương án chọn hàm, chọn giá trị đặc biệt. Tất cả những đề xuất trên không mới và đều đã được triển khai ở nhiều cấp độ thi các nước như Singapore, Nhật, Mỹ,... Đến đây các bạn chỉ phụ thuộc máy tính xin đừng vội phản đối tôi. Hãy nghĩ lại. Trong đề thi vừa rồi, các bạn cũng có dùng máy tính được mấy đâu. Thậm chí với việc giới hạn, chỉ được dùng máy tính ở phần đầu bài thi, các bạn sẽ không phải đối đầu với những bài khó “khù khoằm” nữa. Việc ra đề, dạy, và học khi đó thiết nghĩ sẽ bản chất, tự nhiên, hiệu quả mà lại nhẹ nhàng hơn.

TS NGUYỄN PHỤ HOÀNG LÂN - Khoa Toán-Cơ-Tin học - Trường ĐH KHTN, ĐHQG, Hà Nội

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-thi-toan-tot-nghiep-thpt-qua-kho-de-hoc-sinh-khong-nam-trong-cuoc-chien-giua-nguoi-day-va-nguoi-ra-de-616139.ldo