Để thị trường 'đặc sản' phục vụ du lịch phát triển bền vững

Hiện nay, thị trường đặc sản khá phong phú, mang đậm nét văn hóa của các địa phương, vùng miền, tuy nhiên, cũng rất khó có thể kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, thương hiệu…

Chính vì thế, cần phải có danh mục và đặc biệt là tạo dựng lòng tin để khách du lịch - người tiêu dùng nói chung yên tâm, khi mua đặc sản mang về làm quà tặng, sử dụng.

Thị trường đặc sản phong phú, độc đáo

Tại Việt Nam, trong năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Top Việt Nam đã công bố chính thức Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng dành cho những món ngon, sản vật độc đáo trên cả nước. Điển hình như An Giang có món Gà đốt lá Chúc, Gỏi sầu đâu khô cá lóc và 2 đặc sản làm quà tặng: Khô cá lóc Thoại Sơn, Khô cá tra phồng Châu Đốc. Hay như Bà Rịa - Vũng Tàu có Bánh khọt Vũng Tàu, Canh súng Vũng Tàu, và quà tặng là Cá thu một nắng Côn Đảo, Mứt hạt bàng Côn Đảo. Tương tự, Đà Nẵng có Bánh cuốn thịt heo hai đầu da, Chả bò, Khô mè Cẩm Lệ. Điện Biên lại có Măng đắng luộc, Xôi nếp nương, Thịt trâu sấy khô, Rượu sâu chít. Hà Nội có Chả cá Lã Vọng, Bún chả, Bánh cốm Hà Nội. TP.HCM có Bò tơ Củ Chi, Gỏi cuốn - củ mì Củ Chi.

Bánh cốm Hà Nội

Bánh cốm Hà Nội

Có thể thấy rằng, hầu như địa phương nào cũng có đặc sản nổi tiếng, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi địa phương có thể có một hoặc rất nhiều món ăn, quà tặng khác nhau và được giới thiệu là đặc sản chỉ có tại địa phương. Thực tế hiện nay, khi tham gia vào phát triển du lịch, các chuỗi cung ứng, cơ sở sản xuất, phân phối, người nông dân (gọi chung là tổ chức/cá nhân) bày bán rất nhiều đặc sản khác nhau.

Bánh khọt Vũng Tàu

Điển hình như khi đến Hà Giang, khách du lịch bước vào một cơ sở chuyên cung cấp “đặc sản” địa phương có thể tìm mua được tất cả những đặc sản như: Bánh tam giác mạch, các rượu loại ngâm: thảo mộc - ngô, các loại dược liệu, thịt trâu - bò - heo gác bếp... Tương tự, khi đến Tây Ninh, chỉ cần vào một địa điểm bán đặc sản ở huyện Trảng Bàng, khách du lịch cũng có thể mua được tất cả các loại đặc sản của tỉnh này, như: bánh tráng phơi sương, muối tiêu…. Hay đến Bến Tre, vào bất cứ một cửa hàng nào bán đặc sản vẫn có thể mua được đủ loại: kẹo dừa, dầu dừa, sữa tắm dừa, dầu gội dừa, nước nước, rượu dừa… mà không cần phải đi xa.

Vịt quay mắc mật Lạng Sơn

Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều “đặc sản” giả mạo, kém chất lượng đang gây ra những hệ lụy, tác động tiêu cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động du lịch nói riêng, dẫn đến tính thiếu bền vững của đặc sản. Rất nhiều tổ chức/cá nhân buôn gian, bán lận, chỉ thấy lợi trước mắt nên kinh doanh chộp giật, chặt chém du khách, không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn tạo ra “phản ứng dây chuyền” tẩy chay đặc sản của địa phương đó, nhất là trong thời đại bùng nổ mạng xã hội như hiện nay. Điều này gây ra những cảm nhận không tốt, mất niềm tin và không còn tâm lý - ý chí chuẩn bị để thưởng thức, sử dụng cũng như mua các đặc sản mang về làm quà của du khách. Hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh, đất nước con người cũng như nền văn hóa - ẩm thực của các vùng miền tại Việt Nam.

Xây dựng lòng tin chứa đựng trong mỗi sản phẩm

Để xây dựng một thị trường đặc sản đúng nghĩa và hướng đến sự bền vững, đồng thời xây dựng hình ảnh, con người, đất nước và nền văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng thì ở cấp độ vĩ mô và vi mô đều phải thực hiện tốt một số giải pháp.

Thứ nhất, là phải tạo ra các sản vật địa phương đúng giá trị. Tổ chức/cá nhân cần xây dựng nên các sản phẩm hàng hóa là đặc sản đúng về chất lượng và giá trị như công bố, đồng thời khẳng định là cái riêng có của địa phương. Mặt khác, tránh trường hợp khi nguồn cầu tăng cao, lại đưa ra thị trường các loại hàng hóa không đúng giá trị, không đúng chất lượng, lợi dụng lòng tin của khách hàng để buôn gian, bán lận. Điều này sẽ góp phần giết chết thị trường đặc sản của địa phương cũng như quốc gia.

Chợ bán đặc sản ở Châu Đốc, An Giang

Thứ hai, xây dựng thương hiệu và truyền thông hợp lý. Đây được xem là một trong những đòn bẩy để đưa thị trường đặc sản phát triển bền vững. Ngoài vốn kiến thức có sẵn thì tổ chức/cá nhân nên học tập kinh nghiệm từ những thương hiệu đã có hoặc những thương hiệu đang chiếm lĩnh thị trường tốt, từ đó, có kế hoạch xây dựng thương hiệu và truyền thông hợp lý, phù hợp với kinh phí, nguồn lực của tổ chức/cá nhân.

Thứ ba, công bố công khai, minh bạch các chỉ số: kích thước, khối lượng, hình dạng và chất lượng của đặc sản. Các thông tin này được trình bày trên bao bì, hộp (gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt) giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời, xây dựng mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin và nguồn gốc của sản phẩm dễ dàng, đúng như công bố.

Thứ tư, phải đăng ký chỉ dẫn địa lý và quyền bảo hộ. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng giúp bảo hộ thương hiệu, sản phẩm hàng hóa cũng như khẳng định chất lượng của tổ chức/cá nhân khi tham gia vào công tác phân phối, cung ứng về đặc sản.

Thứ năm, cấp Quốc gia phải có danh mục đặc sản. Chính phủ cần chỉ đạo cho các bộ/ngành liên quan tiến hành thống kê và công bố các danh mục đặc sản của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn để đưa các đặc sản dân gian, truyền thống trở thành những đặc sản Quốc gia tại địa phương; xây dựng hệ thống website về đặc sản Việt Nam, trong đó có liệt kê các đặc sản đã lọt vào danh mục, các đặc sản đang thẩm định… và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để quảng bá, giới thiệu đặc sản và du lịch Việt Nam.

Măng cụt Lái Thiêu

Thứ sáu, cần có sự vào cuộc của các bên liên quan như nhà khoa học, doanh nghiệp và đặc biệt là sự quản lý của cơ quan Nhà nước để hướng dẫn cho các tổ chức/cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa là đặc sản được chuyên nghiệp. Trong đó, nhà quản lý, nhà khoa học hướng dẫn, tập huấn… các nội dung trọng tâm, như: thực hiện chỉ dẫn địa lý, quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ cũng như cách xây dựng thương hiệu và quảng bá - tiếp thị, truyền thông đối với đặc sản. Còn doanh nghiệp cần có sự tham gia, liên kết để phân phối đặc sản, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển… ở cả cấp độ Quốc gia và địa phương.

Thứ bảy, phải xây dựng lòng tin chứa đựng trong mỗi sản phẩm. Đây là giải pháp mềm, mang tính xuyên suốt và cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cũng như các bên liên quan (nhà khoa học, doanh nghiệp) cần quan tâm để tuyên truyền, vận động, tập huấn cho tổ chức/cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối đặc sản… thật, đúng theo tiêu chí đã công bố. Từ đó, truyền đi thông điệp lòng tin trong mỗi đặc sản đến với người tiêu dùng.

Xây dựng, tạo dựng lòng tin của khách hàng bằng việc khẳng định chất lượng, phân phối đúng lúc, đúng nơi. Để làm được điều này, cần phải thực hiện tổng hòa các giải pháp nêu trên, trong đó, phải cho thấy được tâm huyết xây dựng niềm tin ẩn chứa trong mỗi đặc sản mà tổ chức/cá nhân cung ứng cho người tiêu dùng, khách du lịch. Từ đó, có phương án chăm sóc khách hàng để họ trung thành với đặc sản của tổ chức/cá nhân. Đây là một trong những yếu tố then chốt, quan trọng góp phần phát triển bền vững thị trường đặc sản.

Tài liệu tham khảo

Trung tâm Top Việt Nam (VietTop) – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings), Công bố Top 100 món ăn – đặc sản đặc sắc Việt Nam 2019

Văn phòng Quốc hội Việt Nam, 2019, Luật Sở hữu Trí tuệ (Số: 07/VBHN-VPQH).

Th.s Bùi Thị Ngọc Châu - Khoa Du lịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/de-thi-truong-dac-san-phuc-vu-du-lich-phat-trien-ben-vung-c8a54455.html