Đế Thính là ai mà có thể phân biệt Tôn Ngộ Không thật giả?

Đế Thính là linh thú của Địa Tạng Vương Bồ Tát, có khả năng nghe thấy mọi thứ trong Tam giới, giúp Địa Tạng Vương phân biệt được thật giả, đúng sai.

Một trong những tình tiết ly kỳ nhất trong Tây du ký, đó là hồi truyện về 2 Tôn Ngộ Không khiến thật, giả lẫn lộn. Trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, nhân lúc Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng đuổi đi, Lục Nhĩ Mỹ Hầu đã giả làm Tôn Ngộ Không để quay lại, hòng trà trộn vào để đi lấy kinh. Sau đó, Tôn Ngộ Không phát hiện ra và đã trở về phân tranh thật giả, nhưng cả 2 người từ pháp bảo đến phép thần thông đều giống nhau. Điều này đã tạo nên một cuộc chiến "kinh thiên động địa" giữa 2 con khỉ, cả hai đánh nhau cả ngàn hiệp, suốt từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc mà không phân thắng bại, cũng không đâu có thể phân biệt nổi ai là Tôn Ngộ Không thật giả!

Từ sư phụ Đường Tăng tới chư vị thần tiên hay ngay cả pháp nhãn của Quan Âm Bồ Tát, gương chiếu yêu của Ngọc Đế cũng không thể tìm ra đâu là Tôn Ngộ Không thật! Ngoài Phật Tổ Như Lai ra, cả trời đất chỉ có Đế Thính nhìn ra nhưng lại không dám nói.

Có thể nói, trong Tây du ký, đi khắp đất trời, chỉ có Như Lai Phật Tổ và Đế Thính là nhìn ra được yêu quái giả dạng Tôn Ngộ Không, là Lục Nhĩ Mỹ Hầu hóa thân. Vậy Đế Thính là người như thế nào, pháp lực ra sao mà có thể biết được Tôn Ngộ Không thật giả?

Đế Thính chính là vật cưỡi của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Nhân vật này cũng có năng lực "nghe trộm" như Lục Nhĩ Mỹ Hầu, hơn nữa phạm vi nghe trộm khắp cả Tam giới: "Núi sông xã tắc, động tiên, phúc địa nơi Tứ Đại Bộ Châu". Theo lẽ thì pháp lực của Đế Thính phải hơn cả Lục Nhĩ Mỹ Hầu nhưng Đế Thính lại bảo Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Yêu quái này thần thông chẳng kém gì Tôn Đại Thánh, quỷ thần cõi u minh có bao nhiêu pháp lực đâu, nên không thể bắt nổi".

Thực ra chức trách của Đế Thính là giúp đỡ Địa Tạng Vương Bồ Tát hiểu rõ thiện ác của nhân gian, giống như một "người thám thính", còn về tu luyện pháp thuật nó vốn không phải vào hàng thâm sâu gì.

Trước kia, khi Tôn Ngộ Không đại náo Địa Phủ, Đế Thính cũng đứng ngoài cuộc, không phải là không muốn mà căn bản là đánh không lại. Trong Tây du ký, vật cưỡi của Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm lần lượt hạ phàm đại chiến trực diện với Tôn Ngộ Không, duy chỉ có Đế Thính không tham gia. Từ đó có suy đoán rằng, pháp lực của Đế Thính cũng chỉ được bấy nhiêu thôi (chỉ có khả năng nghe thấy mọi thứ trong Tam giới).

Còn về phần Tôn Ngộ Không thật giả, cuối cùng phải nhờ đến Phật Tổ Như Lai, dùng Đại Thiên Am, có công năng vô cùng, được coi là pháp bảo mạnh nhất trong Tây du ký mới có thể chỉ ra được.

Sau khi Lục Nhĩ Mỹ Hầu bị tiêu diệt, Phật Tổ mới cho biết nó vốn là con khỉ đá có tới tận 6 cái tai, mọi việc trong thiên hạ chỉ cần đứng một chỗ là biết được tường tận. Rất nhiều kế hoạch bí mật và pháp thuật tu luyện đều bị Lục Nhĩ Mỹ Hầu nghe trộm và rèn luyện thành thục.

Chính vì vậy mà nó có 72 phép thần thông biến hóa và công lực giống hệt Ngộ Không, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn một bậc.

Theo Người Đưa Tin

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/de-thinh-la-ai-ma-co-the-phan-biet-ton-ngo-khong-that-gia-1511702.html