Để thoát nguy cơ 'sập' bẫy thu nhập trung bình

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 'bẫy thu nhập trung bình' là tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (khoảng 4.000-6.000 USD/năm) do những lợi thế sẵn có, nhưng lại dẫm chân tại mức thu nhập ấy, không thể vượt qua để vươn lên giàu có hơn. Đây chính là nguy cơ mà các chuyên gia trong nước và quốc tế đang khuyến cáo Việt Nam phải nhanh chóng có biện pháp để thoát khỏi.

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là

Nguy cơ tụt hậu

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trung bình khoảng 6-7% một năm, cao gấp 10 lần so với các nước đã phát triển có tốc độ tăng trưởng từ 0,5-1% một năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 5 lần, tỷ lệ đói nghèo giảm từ mức rất cao là 53% năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, và trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trong Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”) đã đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD năm 2010 lên hơn 3.000 USD năm 2020. Kịch bản tăng trưởng được cơ quan này đưa ra là nếu đạt mức tăng trưởng trên 7%/năm, GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Còn nếu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và có thể vượt Philippines vào năm 2035.

Tuy nhiên, dù có nhiều kết quả tích cực, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thực sự tăng trưởng đủ nhanh để bắt kịp các quốc gia đã phát triển. Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) cho biết, tốc độ tăng trưởng trung bình của Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1968-1997 là 15% giúp cho GDP bình quân đầu người tăng từ 189 USD lên 12.131 USD. Như vậy, so với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ bắt kịp với GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1997 vào năm 2048 tức là phải đến sau 30 năm nữa.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thời gian gần đây tốc độ tăng GDP của nước ta đang có xu hướng chững lại, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế… khiến nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cải thiện nhân lực cho thu nhập cao

Chia sẻ kinh nghiệm thoát “bẫy” của Hàn Quốc, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) cho biết, Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với thu nhập quốc dân (GNP) bình quân đầu người là 82 USD, chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% việc làm... Nhận thấy thực trạng này, Hàn Quốc quyết định chuyển hướng tăng trưởng dựa vào công nghệ thông tin, vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo dựa trên khu vực tư nhân, giúp đưa Hàn Quốc trở thành “đối thủ” lớn về công nghệ thông tin trên toàn cầu. Nhưng nguồn nhân lực vẫn là "chìa khóa" để hiện thực hóa nền kinh tế công nghệ thông tin.

Còn về phía Malaysia, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia cho biết, Malaysia đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Để làm được điều này, Malaysia đã chuyển sang các ngành công nghệ cao, công nghệ phức hợp có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến, tuy nhiên cần phải giải quyết được chênh lệch thu nhập, chênh lệch vùng miền. Malaysia cũng đã thiết kế chương trình cụ thể nhằm tập trung vào các hoạt động phát triển kinh tế kinh doanh nhằm có được thu nhập cho người dân, quan tâm nhiều hơn đến nhóm thu nhập thấp.

Đặc biệt, cũng theo vị này, trong thời gian đầu, Malaysia tập trung thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng chủ yếu là vào công trình vật chất, thâm dụng lao động. Trong khi để thành nước thu nhập cao, các nước cần giải quyết vấn đề về tiền lương, thị trường lao động. Vì thế, Malaysia đã tập trung vào đào tạo dạy nghề, bởi việc chỉ chú trọng vào đào tạo đại học mà không quan tâm đến đào tạo nghề sẽ tạo ra sự mất cân đối ở thị trường lao động.

Từ những kinh nghiệm này cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều “lỗ hổng” để tiến lên mức thu nhập cao hơn và thoát bẫy thu nhập trung bình.

Theo TS. Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vấn đề việc làm hay ô nhiễm môi trường do tăng trưởng nhanh gây ra đang là thách thức đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có kế hoạch phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn. Đặc biệt, về mặt thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để doanh nghiệp nắm bắt thị trường vận hành ra sao và cho đúng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn khuyến cáo Việt Nam nên phát triển theo định hướng kinh tế thị trường nhiều hơn. Ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhìn nhận, chất lượng của thể chế kinh tế thị trường vẫn còn thấp và chưa đồng đều ở các ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất để nhanh chóng định hình mô hình tăng trưởng kinh tế mới, dựa trên tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ - kỹ thuật sản xuất cao.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/de-thoat-nguy-co-sap-bay-thu-nhap-trung-binh-112023.html