Để Thủ đô thực sự xanh - sạch - thông minh

Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội; phát huy hào khí cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 bất diệt, suốt chiều dài 78 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực không ngừng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Thủ đô. Thời kỳ mới, trong dòng chảy của cách mạng 4.0 và sự gia tăng dân số cơ học, Đảng bộ, chính quyền Thành phố quyết xây dựng Thủ đô theo hướng xanh - sạch - thông minh, xứng đáng là thành phố đáng sống.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Thong thả rảo bước trên tuyến phố Trần Nhân Tông vào ngày cuối tuần, ông Nguyễn Đức Thắng (73 tuổi, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên được chứng kiến Hà Nội đổi thay từng ngày. Khi xưa nhắc đến trung tâm Hà Nội thì suy nghĩ chỉ gói gọn trong 36 phố phường (thuộc quận Hoàn Kiếm). Nhưng giờ đây, Hà Nội đã có nhiều tuyến phố to đẹp, những khu đô thị, cao ốc được xây dựng khang trang, hiện đại. Ðời sống người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Hà Nội ngày càng sôi động hơn, thậm chí cả buổi đêm. Đổi thay rõ rệt nhất là trong 5 - 7 năm trở lại đây”.

Bộ mặt đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Tâm sự của ông Thắng cũng là cảm nhận chung của nhiều người có gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Thực tế, trong những năm qua, trong lòng Hà Nội đã có nhiều dự án khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, văn minh, mở rộng ra 4 hướng của Thủ đô. Tiêu biểu, phía Đông có khu đô thị: Việt Hưng, Vinhomes Riverside, Vin city Ocean Park... Phía Tây có khu đô thị: Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Bắc/Nam An Khánh, Vin city Sportia, Vinhomes Smart City... Phía Nam có khu đô thị: Linh Đàm, Gamuda... Phía Bắc có khu đô thị: Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn... Cùng với đó, nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân cũng mọc lên, như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Big C, Trung tâm mua sắm Aeon Mall, Thiên đường Bảo Sơn…

Cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, không gian đô thị ngày càng được mở rộng theo quy hoạch, với nhiều khu đô thị mới khang trang, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; từng bước vươn mình trở thành một thành phố hiện đại trong khu vực và thế giới, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Hà Nội cũng chú trọng đầu tư cho các chương trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh và hiện đại. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh, tạo không gian, cảnh quan xanh trên địa bàn. Thành phố luôn chú trọng xây dựng, cải tạo nhiều dự án xây dựng công viên, hồ nước lớn, như: Công viên Hòa Bình, công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, công viên hồ điều hòa Nhân Chính, công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch... tạo khoảng đệm, không gian xanh mát và là “máy điều hòa không khí” tự nhiên cho khu vực, góp phần cải thiện không gian sống, chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, Thành phố còn phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông đi nổi. Hàng loạt “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố dần được xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được “xóa rác trời”, chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng thêm cây xanh... đã mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Đặc biệt, nhằm mang đến những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân ngày cuối tuần, Hà Nội đã từng bước đưa vào hoạt động nhiều không gian, tuyến phố đi bộ, như: Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất; phố Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây... Việc đưa vào hoạt động các không gian, tuyến phố đi bộ được các chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá cao.

Khai thác hiệu quả và bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội cũng đã nhanh chóng lập các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, làm cơ sở mở rộng không gian đô thị về nhiều hướng. Bên cạnh việc phát triển các khu đô thị mới, kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước chuyển hóa mới, như: Hệ thống đường bộ, cầu vượt, giao thông công cộng hiện đại, cầu vượt qua sông Hồng phát triển, nhiều tuyến đường, ngõ nhỏ được cải tạo, chỉnh trang… Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, với những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang, những cây cầu duyên dáng vắt qua sông Hồng.

Nhiều chủ trương mới, chương trình mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo nên không gian đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2026” đã từng bước đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận, cùng góp công sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình, đến tháng 6/2023 đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. Một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình như: Chương trình phát triển nhà ở; Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông. Một số chỉ tiêu đã có chuyển biến tích cực như: Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng. Tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: “Kết quả đạt được phải mang tính lan tỏa, góp gió thành bão, vì nếu sở, ngành quyết tâm nhưng quận, huyện, xã, phường… không vào cuộc, cũng không thể đạt kết quả cao”. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, tiếp tục rà soát và sớm có giải pháp để tháo gỡ cho những nội dung công việc còn khó khăn, vướng mắc; đồng thời tạo không khí thi đua trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là với những lĩnh vực gắn liền mật thiết đời sống, được người dân rất quan tâm như về cây xanh, công viên, chợ, bãi đỗ xe, vườn hoa…

Là người gắn bó với nghề Quy hoạch đô thị suốt mấy chục năm, từng là Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, Hà Nội hôm nay sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Song bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, như việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ; việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; giao thông chưa đạt được như kỳ vọng; cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng…

Hiện nay, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố. Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử. Đồng thời, phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đẩy mạnh ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu, thành phố sáng tạo.

Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm

Quyết định số 700/QĐ-TTg, ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu rõ mục tiêu: Phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Xác định tầm nhìn Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn dài hạn; xây dựng các mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn quy hoạch đến năm 2030, năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, hướng tới phát triển bền vững theo mô hình đô thị xanh, thông minh. Xác định tầm nhìn đột phá cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh phát triển mới.

Xác định hệ thống các chỉ tiêu phát triển đô thị và nông thôn: Đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; dự báo về tác động của điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn, định hướng phát triển các khu vực làng xóm, ngoại thành đảm bảo ổn định; chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho toàn thành phố, khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây... theo từng giai đoạn phát triển của Thủ đô, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và tính khả thi.

Điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn thành phố, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng Thủ đô Hà Nội; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi không gian Thủ đô; phù hợp với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên khu vực nông thôn, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi; gắn với lộ trình chuyển đổi các huyện thành quận theo định hướng tổ chức đơn vị hành chính của Thủ đô.

Tuấn Dũng - Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-thu-do-thuc-su-xanh-sach-thong-minh-159845.html