Để trẻ 6 tháng tuổi không còn… bơ vơ

Đề án “Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2020” chỉ còn vài tháng nữa sẽ triển khai thí điểm tại một số quận, huyện với việc đưa trẻ từ 6-18 tháng tuổi vào các trường mầm non (MN) công lập. Song theo nhận định của nhiều lãnh đạo Phòng GD&ĐT, còn rất nhiều khó khăn chưa thể giải quyết, nhất là khi lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất của ngành quá thiếu, việc huy động nguồn lực cá nhân, tổ chức trong xã hội theo hướng xã hội hóa cũng còn nhiều rào cản chưa thể vượt qua.

Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành giáo dục MN nói riêng và ngành giáo dục nói chung đã có rất nhiều các cuộc cải cách. Vào những 80 của thế kỷ trước, trong hệ thống giáo dục đã có những trung tâm tại các công ty - xí nghiệp, các trường MN nhận trông trẻ từ 2 tháng tuổi tới 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Sau đó, trẻ được chuyển một cách đúng tuyến tới lớp “vỡ lòng”. Sau này, ngành “cải tới cải lui” thế nào mà hiện nay, trẻ từ 6 tháng tuổi cho tới 18 tháng tuổi trở nên… bơ vơ. Đưa ra ví dụ này để cho thấy, chuyện cải cách giáo dục MN của ta còn rất nhiều vấn đề.

Toàn TP Hồ Chí Minh hiện có 907 trường MN, trong đó công lập là 419 trường, ngoài công lập (NCL) là 488 trường, song không có trường MN công lập nào nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trong khi đó, theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, thành phố vẫn còn 600 nhóm trẻ không phép trên địa bàn. Những địa bàn như Bình Tân, Bình Chánh, mỗi nơi có trên 100 cơ sở MN nhưng chỉ có 2 cán bộ phụ trách chuyên môn nên không thể quản lý được. Và còn nhiều nhóm trẻ gia đình dù họ đã làm cam kết với chính quyền địa phương nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho trẻ.

Hiện số trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 43.130 trẻ, nhưng trong đó mới có 286 trẻ được đến trường (tức 0,66%). Số trường nhận trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng có 18 trường (ngoài công lập); số trẻ từ 13 tháng tới 18 tháng tuổi có 56.464 trẻ, trong đó mới có 2.264 trẻ được đến trường (tỉ lệ 4%); và số trường nhận trẻ từ 13 tháng tuổi tới 18 tháng toàn địa bàn mới có 120 trường (ngoài công lập).

Đề án trên đưa ra nhưng theo nhiều giáo viên MN cho biết, nguồn giáo viên hiện chưa trông vào đâu được khi trong chương trình đào tạo, trường sư phạm TP Hồ Chí Minh chưa hề có. Tình trạng dẫn tới là xảy ra nhiều vụ việc đau lòng với trẻ tại các nhóm trẻ gia đình đã xảy ra. Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, ngành giáo dục đã không còn “ôm” nổi các trường MN, nhưng lực lượng bảo mẫu, cấp dưỡng trong hệ thống các trường MN công lập lâu nay không có trong tịnh biên, chế độ phụ cấp cũng không có, trong khi có nơi một cô bảo mẫu phải trông 40-50 trẻ, có nơi một cô phải “lo” cho 70 trẻ. Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ MN từ 6 tới 18 tháng tuổi ngành giáo dục thành phố cần tuyển thêm 1.000 giáo viên MN/năm. Ngay từ năm học 2014-2015, thành phố cần tới 20.965 giáo viên (cả công lập và ngoài công lập), nhưng toàn thành phố mới có 17.956 giáo viên MN.

TP Hồ Chí Minh hiện chưa có cơ sở mầm non công lập nào nhận nuôi, giữ trẻ từ 6 tới 18 tháng tuổi.

Theo Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng của Sở thì năm học 2014-2015, thành phố sẽ triển khai thí điểm từ 1 đến 2 trường MN công lập tại 8 quận, huyện, gồm: 7, 12, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè. Đến năm học 2015-2016 sẽ triển khai thêm 4 quận, huyện là: 9, 11, Tân Bình, Gò Vấp và đến năm 2016-2017 thì thực hiện đại trà. Theo đó, chế độ cho giáo viên giữ trẻ sẽ được hỗ trợ 100% mức lương tối thiểu, còn cán bộ quản lý được hưởng 50%. Giáo viên làm thêm giờ thì được tính đủ 396 giờ/năm thay vì 200 giờ. Đề án trên thực thi thì cũng đồng nghĩa thu nhập của giáo viên MN được tăng từ 713 ngàn đồng đến 1,9 triệu đồng/tháng. Và giáo viên ngoài công lập cũng được hỗ trợ với mức 50% mức lương tối thiểu.

Được biết, tại huyện Nhà Bè sẽ thực hiện thí điểm giữ trẻ trong độ tuổi trên tại 2 cơ sở MN trong tháng 5-2014. Thế nhưng, theo một cán bộ Phòng Giáo dục huyện này, chuyện cơ sở vật chất nếu thiếu thì còn lo được, còn vấn đề giáo viên thì huyện mới đề xuất cho 70 trường hợp đi học cấp tốc chương trình trung cấp MN. Nhưng để hoàn thành chương trình trung cấp cũng phải 2 năm mới hoàn tất. Vị này cho rằng, cần phải tận dụng huy động sức đầu tư từ phía ngoài hệ thống công lập cho giáo dục MN giải quyết bài toán khó này. Còn việc qui hoạch giáo viên trường MN, tùy từng địa phương mà áp dụng, tiến hành từng bước cho phù hợp.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VH-XH HĐND TP Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nếu không xã hội hóa thì Nhà nước không bao giờ lo nổi cho ngành MN. Vấn đề đặt ra là ngành giáo dục cần xác định 3 đối tượng, gồm: giáo viên, người quản lý, nhân viên cấp dưỡng... họ đang cần cái gì? Nhất là với trường công lập giữ trẻ nhỏ? Huy động trường ngoài công lập cho việc giữ trẻ MN dưới 18 tháng tuổi phải được động viên bằng nhiều cách: tập huấn, có một khung học phí cho MN ngoài công lập. Những doanh nghiệp có ý định xây trường MN giữ trẻ trong độ tuổi này sẽ được động viên, hỗ trợ chính sách gì? Các quận, huyện cần xác định rõ, đối tượng ưu tiên chăm lo là con công nhân, người lao động có thu nhập thấp, việc xây dựng trường chỉ nên tập trung xung quanh những khu vực có đông công nhân.

Được biết, do còn nhiều vấn đề phải bàn thảo, vào ngày 6-5, Ban VH-XH HĐND TP sẽ tiếp tục có cuộc họp chuyên đề về Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi để đề án trên đi vào cuộc sống

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/5/230072.cand