Để trẻ em có kỳ nghỉ hè ý nghĩa

1-6 là thời điểm trẻ em chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là khoảng thời gian trẻ em cần được quan tâm đến sức khỏe tinh thần và rèn luyện kỹ năng sống nhiều hơn là tiếp tục 'học kỳ thứ ba'. Song, làm thế nào để có một kỳ nghỉ ý nghĩa, bổ ích cho trẻ vẫn luôn là trăn trở của nhiều gia đình.

Trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng sống tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Tâm Việt Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Với nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X, thì kỳ nghỉ hè gắn với những tháng ngày rong ruổi bắt ve, hái phượng hay cùng nhau túm tụm chơi các trò nhảy dây, ô ăn quan, đánh khăng... Kỳ nghỉ hè thực sự là khoảng thời gian không phải vùi đầu vào những buổi học thêm, được thả lỏng thực sự sau một năm học tập căng thẳng ở trường, hòa mình vào cái nắng hè, thoải mái vui chơi. Còn với trẻ em thời nay, nghỉ hè đúng nghĩa lại là một điều xa xỉ. Em Trần Yến Nhi ở TP Thanh Hóa vừa kết thúc lớp 8, chia sẻ: Hè năm ngoái em được nghỉ ngơi hai tuần. Sau đó, bố mẹ tiếp tục đăng ký cho em tham gia các lớp học toán, văn, tiếng Anh. Em mong muốn hè này được giảm bớt lịch học văn hóa để tham gia các hoạt động thể thao, múa hát. Còn em Nguyễn Gia Khánh, học sinh lớp 10 ở TP Thanh Hóa cho biết: Hy vọng hè này em sẽ được tham gia các hoạt động thể thao, trải nghiệm nhiều hơn học văn hóa. Em luôn mong muốn kỳ nghỉ hè thực sự là được nghỉ ngơi, thư giãn.

Đây không phải trường hợp cá biệt, bởi rất nhiều đứa trẻ đều nhanh chóng vùi đầu vào sách vở, hay “chạy sô” học thêm sau tuần đầu nghỉ ngơi. Kỳ nghỉ hè trở thành học kỳ thứ ba, là bước đệm chuẩn bị cho năm học mới. Điều này, vô tình khiến trẻ em có thể dễ rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức, rối loạn tâm lý, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát. Tỷ lệ học sinh trầm cảm và các vụ học sinh tự tử gia tăng thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo.

Thời gian nghỉ hè của trẻ kéo dài 3 tháng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm cả ngày nên việc trông trẻ khiến nhiều người không khỏi đau đầu tìm giải pháp. Bởi thực tế, nhiều phụ huynh nhận thức được rằng nên để trẻ được thư giãn, nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ hè. Song, họ cũng than phiền, nếu không cho trẻ đi học thêm trong hè, con sẽ suốt ngày ôm điện thoại hoặc máy tính, chơi game, lướt web mà không có sự kiểm soát của người lớn. Chị Hoàng Thị Phương ở TP Thanh Hóa chia sẻ: “Hai năm trước con trai tôi nghỉ hè ở nhà và suốt ngày xem điện thoại. Điều này khiến cho bé bị nháy mắt liên tục và được bác sĩ chẩn đoán là có biểu hiện rối loạn TIC do ảnh hưởng từ sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh liên tục trong thời gian dài. Do đó, các kỳ nghỉ hè sau tôi đều đăng ký cho con tham gia các lớp học thêm”.

Có thể thấy, nếu cha mẹ để trẻ nghỉ ngơi thoải mái, không kiểm soát thì trẻ có thể nghiện game, mạng xã hội, thậm chí phát sinh những bất lợi, nguy hiểm. Bởi vậy, do chưa cân đối được thời gian đồng hành cùng con, nhiều phụ huynh đã lựa chọn cách tạo kỳ học thứ 3 cho trẻ.

Ở lứa tuổi thiếu nhi và thanh, thiếu niên, trẻ thường hiếu kỳ, thích khám phá thế giới xung quanh. Do đó, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian để trẻ học nhiều điều bổ ích. Muốn vậy, cha mẹ cần xây dựng lịch học văn hóa một cách khoa học, tránh gây áp lực cho trẻ. Trong thời gian biểu của trẻ nên dành phần lớn thời gian để vui chơi, giải trí và trải nghiệm cuộc sống cùng gia đình, bạn bè, cộng đồng. Qua đó, tạo môi trường để trẻ học hỏi về nếp sống, tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ... Những trải nghiệm như vậy sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trang cuộc đời của các em.

Trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng sống tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Tâm Việt Thanh Hóa.

Thực tế hiện nay nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ ngày hè đã xuất hiện như các mô hình trại hè, khóa học trải nghiệm hè; khóa học rèn kỹ năng nói, thuyết trình... Điển hình là tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Tâm Việt Thanh Hóa, từ đầu tháng 6 bắt đầu khai giảng các lớp học, trại hè rèn luyện kỹ năng. Trung bình mỗi đợt hè trung tâm tổ chức từ 18 - 20 khóa học cho hàng trăm trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Thanh Hóa, vào hè cũng tăng cường các lớp học, khóa học cho trẻ em. Tại đây có nhiều bộ môn cho trẻ lựa chọn như thanh nhạc, múa, piano, khiêu vũ thể thao, cờ vua, võ... Các lớp học diễn ra từ sáng đến chiều muộn, để trẻ em thoải mái lựa chọn thời điểm tham gia. Từ các trại hè, khóa học kỹ năng sống, trẻ được vui chơi, hòa mình vào một môi trường mới mẻ, lành mạnh; giúp trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi, tham gia các hoạt động thực tế. Thông qua các trò chơi vận động, trẻ được phát triển thể chất và rèn luyện phản xạ, kỹ năng, tăng sự tự tin, năng động. Từ đó, các em vừa tích lũy thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống vừa học cách trưởng thành khi không có cha mẹ ở bên cạnh. Không những thế, việc nâng cao kỹ năng sống giúp trẻ hiểu bản thân, trân trọng bản thân cũng như những người xung quanh, có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, bố mẹ có thể tổ chức những chuyến du lịch, về quê... để trẻ được khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống. Thông qua chuyến đi, bố mẹ còn có thể quan sát để hiểu rõ hơn về tâm lý, tính cách của trẻ, từ đó lựa chọn phương pháp nuôi dạy và giáo dục trẻ cho phù hợp. Bên cạnh đó, phụ huynh cần quan tâm xem con em mình có sở thích, năng khiếu gì, để đăng ký cho con tham gia các khóa học năng khiếu... nhằm giúp trẻ phát huy thế mạnh, tự tin hơn trong cuộc sống.

Có lẽ, ai cũng mong muốn trẻ có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, bổ ích. Để có được điều đó, trước hết các bậc phụ huynh cần có sự nhận thức đúng đắn về kỳ nghỉ hè của trẻ và tạo điều kiện để các em có được kỳ nghỉ hè với niềm vui trọn vẹn. Cùng với đó, nhà trường, địa phương và xã hội cũng cần quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng trong hè cho trẻ. Có như vậy, mới tạo cho trẻ em những kỳ nghỉ hè đáng nhớ, góp phần cho trẻ được phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-tre-em-co-ky-nghi-he-y-nghia/187333.htm