Để tự chủ đại học thực sự phát huy hiệu quả

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hơn 20 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có rất nhiều ý kiến đóng góp về nội dung liên quan đến vấn để tự chủ đại học.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội xem xét, thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trườngsáng 6/11.

Đề cập đến phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, đây không chỉ là sửa đổi một số bất cập của Luật Giáo dục đại học mà là cơ hội để nhìn nhận, xem xét toàn diện quá trình đào tạo đại học hiện nay. Từ đó, sẽ có cơ chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian tới sao cho phù hợp và thực hiện hiệu quả hơn.

Từ nhận định như trên, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét về phạm vi sửa đổi, việc sửa đổi cần phải đặt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không phải cho phép mở thêm các trường, thêm lớp, thêm ngành nghề là tốt; cần xem xét nghiêm túc các vấn đề này để có cách nhìn tổng thể và trước hết là cần phải tính toán cho đúng, cho đủ.

Vấn đề tự chủ đại học là một trong những vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) và một số đại biểu nhận định, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Song, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, trong quá trình tuyển sinh các trường đại học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học. Nếu tự chủ về tài chính học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao. Mặt khác, tự chủ về cơ sở vật chất đối với các trường đại học công lập, nếu không có những chế tài kiểm soát chặt chẽ về cơ sở vật chất đầu tư, sẽ dẫn đến việc một số trường có nguy cơ lệch hướng đào tạo. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần quy định từng tiêu chí cụ thể đối với từng vấn đề tự chủ của các trường đại học.

Còn đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tự chủ là vấn đề có nhiều đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, tự chủ trước đây đã thí điểm, năm 2012 đã có luật, nhưng từ lý luận đến thực tiễn dường như chưa gặp nhau. Đại biểu Dương Minh Tuấn mong muốn tự chủ là phải thật sự và nêu quan điểm: Theo luật có 3 lĩnh vực tự chủ là tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Trường cần nhất là tự chủ tài chính. Thời gian qua, đã cho tự chủ nhưng khống chế trần học phí, chính vì vậy một số trường rất khó tự chủ. Do vậy, đại biểu đề nghị tự chủ học thuật phải là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính phải là động lực phát triển, tự chủ nhân sự phải là nền tảng phát triển của nhà trường.

“Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà Nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ, tùy theo thể trạng của từng đứa con mà cho 'cai sữa', từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư. Nhưng vừa rồi chúng ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. Câu chuyện bàn ở đây là do trước đây sợ giá cao quá nên khống chế mức trần, bây giờ bung cho lên. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần có lộ trình tự chủ”, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu.

Cho rằng một trong những bất cập của giáo dục đại học hiện nay là việc quản lý mang tính hành chính, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện; các cơ sở giáo dục đại học chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau, ảnh hưởng đến tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, chủ trương cho phép tự chủ đại học chưa đem lại hiệu quả cao, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) đề nghị cần quy định rõ điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tự chủ trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ. Việc tăng quyền tự chủ của hoạt động đào tạo cần phải có quy trình để kiểm soát nội dung giảng dạy đối với các bộ môn liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Việc cải tiến các chương trình đào tạo để theo kịp chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo là cần thiết nhưng cũng phải đảm bảo cho sinh viên nâng cao hiểu biết về giá trị truyền thống, chuẩn mực dân tộc và ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đại diện cho cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra, đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo ông Phan Thanh Bình, thời gian vừa qua, bộ phận thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong kỳ họp lần thứ 5, trong các phiên họp của Thường vụ Quốc hội, của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cho đến nay, đa số đại biểu đồng ý với giải trình, tiếp thu cũng như dự thảo trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phát biểu bổ sung thêm, Ban soạn thảo ghi nhận góp ý, tất cả sẽ được trao đổi và xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội để có thể hoàn chỉnh và trình dự thảo luật này vào cuối phiên họp.

Theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo lần này có hai nội dung lớn sau. Thứ nhất là làm sao để tăng tự chủ thật sự cho trường đại học. Thứ hai là làm sao có điều kiện để phát triển các trường đại học tư thục, một mặt bổ sung cho năng lực giáo dục đại học nhưng đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học công lập phát triển.

Về quan điểm, từ Ban soạn thảo đến thẩm tra đều thống nhất với nhau, trong quá trình soạn lần này luôn tôn trọng quy luật phát triển và thông lệ quốc tế trong xây dựng và bảo đảm chất lượng của hệ thống giáo dục đại học.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 48 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và có 24 vị đã phát biểu thảo luận. Các vị đại biểu đã quan tâm với trách nhiệm cao nhất đến chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như quan tâm đến xây dựng xã hội học tập suốt đời ở nước ta. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu sôi nổi, thẳng thắn và đóng góp đóng nhiều ý kiến thiết thực đối với dự án luật này.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/de-tu-chu-dai-hoc-thuc-su-phat-huy-hieu-qua/351341.vgp