Để tưởng nhớ một nữ diễn viên tài năng vừa ra đi

Năm 1962 khi đang ngồi cạo giấy tại Phát hành phim Trung ương dịch lời thoại trong các phim Liên Xô chiếu tại Việt Nam, thì bỗng nhiên tôi được biệt phái về Trường điện ảnh dịch cho đạo diễn chuyên gia thay cho anh Cao Thụy được trên cử sang Liên xô học biên kịch điện ảnh. Khi tôi đến nhận công tác thì các buổi lên lớp của chuyên gia đã kết thúc. Các học viên đang làm phim tốt nghiệp. Tôi theo chuyên gia xuống đoàn làm phim Một ngày đầu thu để dịch cho ông làm việc với các đạo diễn Huy Vân và Hải Ninh. Hai diễn viên nữ chính trong phim là Tuệ Minh, Trà Giang cùng các diễn viên nam Mạnh Linh, Quý An.

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc trực tiếp với những nghệ sỹ điện ảnh ngoài đời thật chứ không phải trên phim và biết cụ thể công việc của một đoàn làm phim như thế nào. Ngày 26 tháng 2 năm nay, sau khi viếng đám tang nữ diễn viên Tuệ Minh về nhà, tình cờ tôi tìm lại được bài viết của mình kể chuyện đi làm phim Một ngày đầu thu (đã đăng trên báo Điện ảnh số 21 ngày 16/1/1962). Đây cũng là bài báo đầu tiên của tôi được đăng. Xin giới thiệu lại bài viết này như một kỷ niệm nhỏ của tôi với người nữ diễn viên tài năng của điện ảnh Việt Nam vừa rời xa chúng ta.

Vai diễn Hương trong Truyện vợ chồng anh Lực mang về giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 cho NSND Tuệ Minh

Đi quay ngoại cảnh

Vào một ngày đầu thu, đoàn làm phim Một ngày đầu thu rời Hà Nội lên Hòa Bình – một địa điểm được chọn để quay những cảnh ngoại. Hôm đầu lên đây, sống với khung cảnh núi rừng, có suối róc rách chẩy quanh, anh em ai nấy đều thấy thú vị. Một thuận lợi đầu tiên cho đoàn phim là có một công trường xây cầu sắp dọn đi nhường cho đoàn mấy gian nhà lá để ở, thế là vấn đề nhà cửa khỏi phải lo, chỉ ngại một chút là ở đây rét hơn Hà Nội. Khí hậu miền cao rồi còn gì! Sáng sớm hôm sau khi sương mù dầy đặc còn phủ đầy những rặng núi gần xa, đoàn quay phim đã lên đường bắt tay ngay vào công việc. Đoạn sắp quay ở đây có thể nói là đoạn trữ tình độc nhất của bộ phim về đề tài chiến đấu gian khổ và anh dũng này. Đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh cùng quay phim Hồng Sến đã chọn được một địa điểm thật nên thơ: có núi cao, có suối nước xanh trong vắt và một đập chắn nước làm bọt tung trắng xóa. Hồng Sến lên quay ở đây lần này là lần thứ hai sau phim Lửa trung tuyến. Trông anh xông xáo lội suối tìm ngắm các góc độ quay thành thạo như một thổ dân miền núi, nếu không có cái giọng miền Nam thì có cảm tưởng như đây là quê hương của anh vậy.

Mấy ngày đầu tiên trời cũng chiều lòng người: nắng suốt từ sáng đến tận chiều, trời xanh trong vắt không một gợn mây. Nhưng đối với cảnh trữ tình này thì trời như vậy lại tai hại. Có nắng đấy nhưng ở chân trời không có tí mây nào thì lại không đẹp rồi. Chân trời xanh trong vắt kia khi quay vào phim đen trắng cũng không khác nào chiếc “phông” căng trong nội cảnh và những rặng núi lam kia cũng chỉ là những chiếc bìa được cắt dán lên đó. Lại thêm một điều bận tâm nữa: chờ mây, những cụm mây bạc bồng bềnh tô diểm cho chân trời thêm tự nhiên sinh động. Ngồi bên suối chờ mây tôi lại nhớ đến những ngày cuối hè khi đoàn quay ở dốc Tam Đa. Hồi đó trời luôn có giông với những đợt mưa rào bất chợt. Có khi chuẩn bị xong xuôi những cảnh có hàng năm, sáu chục diễn viên quần chúng với hàng chục chiếc ô tô, mô tô thì những đám mây đáng ghét ở đâu lại ùn ùn kéo đến che lấp mặt trời. Những lúc đó từ anh em phụ trách ánh sáng đến đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm phim đều ngửa mặt nhìn lên trời mong sao cho mây kéo đi. Và mỗi lần nghe tiếng hô của đạo diễn Huy Vân: Chuẩn bị! Nó ra đấy! (nó là mặt trời) thì tất cả lại nhanh chóng trở về vị trí của mình hồi hộp chờ đợi.

Tuệ Minh trong vai Thơm trong phim Một ngày đầu thu

Nhưng lúc này thì chúng tôi lại đang mong có mây. Làm phim là như vậy. Chính Âydanhstanh đã từng định nghĩa như sau: Đi quay ngoại cảnh – nghĩa là ngồi và chờ trời. Chờ đợi mãi thì cũng phải được như ý mình mong muốn. Và khi đã có một khung cảnh thích hợp: nghĩa là có nắng đẹp, có mây trắng lững lờ, có những cành lau đẹp nhất của đất Hòa Bình được anh chị em dựng cảnh mang về cắm nghiêng mình xuống dòng suối… thì điều cốt yếu nhất bây giờ là diễn xuất của diễn viên và điều quan trong hơn cả trong diễn xuất của diễn viên là tâm trạng nhân vật. Tuệ Minh nãy giờ ngồi im lặng bên bờ suối, tập trung tư tưởng để hình dung cái tâm trạng của một chị cán bộ địch hậu, đã từng vào sinh ra tử, nhưng giờ phút này chị chỉ là một người con gái đang được yêu. Người yêu của chị là Dưỡng (do Quý An đóng) một chiến sỹ trinh sát. Anh yêu nhưng chưa dám ngỏ lời với chị, cho đến khi bị địch giết vẫn mang bên mình mối tình đẹp đẽ mới chớm đó. Đạo diễn Huy Vân đòi hỏi ở Tuệ Minh và Quý An diễn xuất phải thật tự nhiên và đạt được mức độ trữ tình cao, để do đó làm tăng thêm chất bi hùng của cảnh Dưỡng bị địch bắt và bắn chết.

Đạo diễn Huy Vân rất coi trọng công tác với diễn viên, anh không đòng tình với ý kiến cho rằng tập ít lúc diễn thật sẽ tự nhiên hơn. Trái lại qua kinh nghiệm bản thân, anh thấy rằng: Hễ tập trước cho diễn viên càng kỹ bao nhiêu thì lúc quay thật thế nào cũng đạt. Đạo diễn chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm đó và rất khen cách làm việc nghiêm túc của Tuệ Minh chuẩn bị cho vai diễn của mình. Chị cùng diễn viên Quý An diễn đi diễn lại hàng chục lần cảnh di chuyển bên bờ suối, vừa đi vừa trao đổi về nhiệm vụ được trên giao. Đến lượt phối hợp toàn bộ các khâu của một cảnh quay: từ diễn xuất của diễn viên cho đến chuyển động của máy quay. Mỗi bước đi, chỗ đứng của các diễn viên đều được đánh dấu kỹ. Các đồng chí ánh sáng loay hoay với mấy cành cây làm bóng tỏa xuống mặt diễn viên. Bên bờ suối mấy người khác xếp các mảnh gương vụn vào chậu nước để làm hiệu quả ánh nước lung linh phản chiếu lên mặt các diễn viên. Tất cả những công việc nhiêu khê tỉ mẩn đó chỉ để phục vụ cho vài phút quay thật. Đó là những phút căng thẳng sau tiếng hô: “Chuẩn bị! Bắt đầu!” của đạo diễn. Không gian im lặng. Chỉ có tiếng máy quay rè rè, tiếng suối chảy rào rào xen lẫn tiếng đối thoại của các diễn viên nghe lúc được lúc mất. Cứ như vậy những thước phim của bộ phim tương lai ra đời. Những ngày quay ngoại cảnh thật bận rộn và gian lao, đặc biệt đối với anh chị em học viên sắp thi tốt nghiệp Trường điện ảnh. Mỗi ngày làm phim là một bài học quý giá đối với họ. Từ những bài nghe giảng về lý thuyết trên lớp, từ những tiểu phẩm diễn trên sân khấu, đến thực tế công việc trước ống kính, đến những hình ảnh được ghi trên phim nhựa đòi hỏi ở anh chị em nhiều tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Tâm trạng của họ trong những ngày này không khác gì tâm trạng những học sinh trong mùa thi cử và những tác phẩm của họ sắp ra đời, đây sẽ là những bài thi đánh dấu kết quả của hai năm học tập. Mùa xuân tới chúng ta sẽ được thưởng thức những bông hoa đầu mùa đó*.

(* Ba phim tốt nghiệp của học sinh khóa 1 trường điện ảnh Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô là: Một ngày đầu thu, Con chim vành khuyênHai người lính)

Đặng Nhật Minh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/de-tuong-nho-mot-nu-dien-vien-tai-nang-vua-ra-di-22422.html