Để việc đưa đón học sinh không còn là nỗi ám ảnh

Vì tiện lợi, giảm nguy cơ TNGT, dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng phổ biến ở các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoài công lập tại Quảng Ninh. Để phụ huynh yên tâm, học sinh an toàn, các trường đều đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori gọi tên từng học sinh xuống xe, xếp hàng và điểm danh trước khi vào lớp.

Giáo viên Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori gọi tên từng học sinh xuống xe, xếp hàng và điểm danh trước khi vào lớp.

7h30 hằng ngày, xe bus đón học sinh của Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) về tới trường. Khi xe dừng, giáo viên phụ trách đưa đón sẽ điểm danh và lần lượt từng bé được đưa xuống xe sau khi đọc tên. Nhiệm vụ của giáo viên đưa đón là phải cập nhật, ghi chép tình hình, số lượng học sinh, sau đó báo cáo với bộ phận giám sát xe bus của nhà trường. Trước khi đưa học sinh vào lớp, giáo viên sẽ lên xe kiểm tra lại một lượt để tránh việc bỏ quên trẻ. Khi kết thúc việc giao nhận học sinh cho giáo viên phụ trách lớp, các bộ phận liên quan sẽ ký chéo để đảm bảo quy trình đưa đón chặt chẽ, không sai sót. Việc làm này được lặp lại khi nhận và giao trẻ cho phụ huynh vào cuối ngày học. Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori hiện có 2 xe bus đưa đón học sinh loại 16 chỗ.

Cô giáo Đinh Khánh Ly, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lái xe và người đưa đón học sinh là những nhân viên rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn suốt quá trình đưa đón học sinh. Vì thế, nhà trường có những quy định rất chặt chẽ đối với 2 vị trí này. Với lái xe thì phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ cá nhân và giấy tờ xe theo quy định. Trong suốt quá trình di chuyển, xe phải đảm bảo nhiệt độ 27-28 độ, không đổ xăng khi có học sinh trên xe. Đồng thời, cả lái xe và giáo viên đưa đón phải tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, đảm bảo nắm rõ quy trình trước khi tham gia đưa đón học sinh.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm xếp hàng lên xe đưa đón theo danh sách đăng ký.

Là một trong những trường có nhiều xe đưa đón học sinh, Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) hiện có 22 xe đưa đón, phục vụ 720 trong tổng số 2.493 học sinh toàn trường. Theo thầy giáo Lê Văn Thọ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, xác định việc đảm bảo an toàn cho các con khi tham gia xe đưa đón là nhiệm vụ hàng đầu, vì vậy, nhà trường huy động luôn các thầy cô tham gia đưa đón trẻ hàng ngày để nắm bắt được tình hình học sinh một cách tốt nhất; đồng thời thành lập ban chỉ đạo và đội ngũ giám sát để kiểm tra thường xuyên, đột xuất các xe trong quá trình hoạt động.

Quy trình trên hầu như được các trường vận hành một cách chặt chẽ để tránh tối đa các sai sót trong quá trình đưa đón học sinh. Cô giáo Vũ Quỳnh Trang, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho biết: "Khi lên lớp, nếu phát hiện có học sinh vắng mặt, chúng tôi sẽ liên hệ với cán bộ đưa đón học sinh của trường và lái xe, sau đó sẽ trực tiếp liên hệ với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ chưa đến lớp. Trước mỗi giờ học, giáo viên xác nhận sĩ số lớp bằng văn bản".

Trước khi lên xe, học sinh được tập trung trong sân trường, xếp hàng, điểm danh theo đăng ký ở từng xe (các xe được phân theo những tuyến đường khác nhau).

Đã từng hoang mang trước sự cố bỏ quên học sinh trên xe đưa đón của Trường Tiểu học Gateway (TP Hà Nội) đầu tháng 8/2019, chị Phạm Thị Lưu Luyến (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long), cho rằng, việc quản lý học sinh lên xuống xe thông qua điểm danh, ký xác nhận giữa giáo viên đưa đón và phụ huynh khi giao, nhận con và liên hệ chặt chẽ, trực tiếp giữa giáo viên - người đưa đón - phụ huynh là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 35 trường triển khai mô hình đưa đón học sinh với tổng số 127 phương tiện, chủ yếu ở Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên. Mô hình này hiện đang tiếp tục được nhân rộng trên toàn tỉnh bởi hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh, giảm thiểu phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, theo bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, các nhà trường cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, và hậu kiểm trong quá trình đưa đón, đảm bảo quy trình khép kín, không có sai sót. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh kỹ năng ngồi xe ô tô an toàn, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp. Bên cạnh đó, nhà trường phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Có như vậy, mô hình đưa đón học sinh tập trung mới thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, đáp ứng niềm tin của phụ huynh khi giao con em mình cho xe đưa đón đến trường.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/de-viec-dua-don-hoc-sinh-khong-con-la-noi-am-anh-2456907/