Để xe buýt Thủ đô hoạt động ổn định

Dù thời gian chuẩn bị gấp gáp, song với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự 'chia lửa' kịp thời, hiệu quả từ các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, hơn 10 ngày kể từ khi được chuyển giao, cả 5 tuyến buýt xã hội hóa mà đơn vị vận hành trước đó gặp khó khăn phải 'bỏ cuộc' đã được duy trì hoạt động ổn định. Từ đó, mạng lưới xe buýt của Thủ đô không bị xáo trộn, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuyến buýt số 45 vẫn được duy trì hoạt động bình thường. Ảnh: Lê Khánh

Tuyến buýt số 45 vẫn được duy trì hoạt động bình thường. Ảnh: Lê Khánh

Không làm gián đoạn

Chỉ mất ít phút chờ đợi, bà Nguyễn Thị Minh (đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng) đã đón được xe buýt tuyến số 45 để lên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm). “Thỉnh thoảng tôi vẫn phải lên Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt trung ương trên phố Tràng Thi để khám bệnh. Nghe nói đơn vị vận hành tuyến buýt số 45 xin trả lại thành phố vì gặp khó khăn nên cũng lo. May mà tuyến vẫn được duy trì hoạt động”, bà Minh chia sẻ.

Tuyến số 45 là một trong 5 tuyến buýt xã hội hóa trước đây do Công ty TNHH Bắc Hà đảm trách (các tuyến buýt số 41, 42, 43, 44, 45). Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên đơn vị đã báo cáo cơ quan chức năng xin dừng hoạt động từ ngày 1-8-2022. Trước tình hình này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án báo cáo UBND thành phố Hà Nội. Phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà và chỉ định thầu đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục vận hành 5 tuyến buýt. Phương án 2, chấm dứt hợp đồng, tạm dừng khai thác 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế gói thầu mới làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo quy định. Qua so sánh, Sở đã đề xuất chọn phương án 1.

Sau khi được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, Sở đã chỉ định thầu cho Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội vận hành tuyến buýt số 41 (Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát), số 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình), số 45 (Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long); Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội vận hành tuyến buýt số 42 (Bến xe Giáp Bát - Đức Giang); Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân vận hành tuyến buýt số 43 (Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh).

“Đến nay, đã hơn 10 ngày từ khi chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà, cả 5 tuyến buýt được chuyển giao đều duy trì hoạt động ổn định, mạng lưới xe buýt Thủ đô không bị xáo trộn, bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Trung bình mỗi lượt xe phục vụ 40-45 hành khách và sẽ còn tăng cao hơn nữa khi tới đây học sinh, sinh viên vào năm học mới”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương đánh giá.

Không chỉ hoạt động ổn định, sau khi được chuyển giao, lộ trình của các tuyến buýt này đã được cập nhật vào phần mềm timbuyt.vn, giúp người dân tra cứu dễ dàng, tiện lợi.

Hành khách trên xe buýt tuyến số 42 trong những ngày đầu mới chuyển giao. Ảnh: Lê Khánh

Sự “chia lửa” kịp thời

Là đơn vị được chỉ định thầu 3/5 tuyến buýt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội Đào Việt Dũng cho biết, ngay sau khi được thành phố giao nhiệm vụ, công ty đã khẩn trương bố trí phương tiện (mỗi tuyến 11 xe), nhân viên lái xe, bán vé (chủ yếu tiếp nhận từ Công ty TNHH Bắc Hà), bảo đảm hoạt động theo đúng tần suất, biểu đồ đang được đơn vị cũ thực hiện, không làm ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy, lộ trình của 3 tuyến này đi qua nhiều điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Tới đây, công ty sẽ báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để có phương án điều chỉnh hợp lý.

“Thời gian chuẩn bị rất ít trong khi khối lượng công việc lại nhiều, song được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng của thành phố, chúng tôi đã bố trí đủ nhân lực, phương tiện cũng như công tác hậu cần để tuyến buýt số 42 có thể hoạt động ngay từ sáng 1-8 theo đúng hợp đồng. Hiện, công ty bố trí 8 phương tiện hoạt động, duy trì 100% số chuyến lượt theo đúng biểu đồ cũ. Trong những ngày đầu vận hành, hành khách có chút bỡ ngỡ vì xe mới. Vì vậy, công ty đã bố trí tối đa lực lượng điều hành ở hai đầu bến để hỗ trợ hành khách và sẽ tiếp tục lắng nghe góp ý của nhân dân để điều chỉnh phù hợp, nhằm ổn định tuyến một cách nhanh nhất”, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội - đơn vị đảm nhận tuyến số 42 cho biết.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long khẳng định, các doanh nghiệp buýt được đưa vào vận hành thay thế Công ty TNHH Bắc Hà đều là những đơn vị có kinh nghiệm nên thành phố rất tin tưởng chỉ định thầu. Đây là cách nhanh nhất để duy trì, không làm gián đoạn hoạt động 5 tuyến buýt. Dù cũng gặp không ít khó khăn, song các đơn vị này không chỉ sẵn sàng “chia lửa” với thành phố trong việc vận hành tuyến mà còn tiếp nhận toàn bộ nhân viên của đơn vị cũ nếu người lao động có nguyện vọng. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1039252/de-xe-buyt-thu-do-hoat-dong-on-dinh