Đề xuất áp thuế suất VAT 0% với nội dung số phục vụ thị trường nước ngoài

Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam nêu đề xuất, với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường và người xem nước ngoài, cần áp dụng thuế suất VAT là 0%, với cả cá nhân và doanh nghiệp.

Lĩnh vực phát triển nhanh và giàu tiềm năng

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp cùng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng khẳng định, sáng tạo nội dung số đã và đang phát triển mạnh.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng khẳng định, sáng tạo nội dung số đã và đang phát triển mạnh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết, công nghiệp CNTT-TT (ICT) nói chung trong đó có công nghiệp nội dung số được nhà nước quan tâm thúc đẩy phát triển. Với nhiều chính sách hỗ trợ, đến nay lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Hồng, hiện vẫn còn một số rào cản, vướng mắc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực; trong đó có vấn đề thuế, với các loại thuế về thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng còn chưa thật phù hợp.

Vì thế, hội nghị khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số được tổ chức để tạo diễn đàn mở nhằm kết nối các nhà sáng tạo nội dung, các chuyên gia về thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan truyền thông, có góc nhìn đa chiều liên quan đến thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí (gọi tắt là MMO).

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa thông tin về sự phát triển của các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nội dung số Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT, lĩnh vực nội dung số phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với doanh thu năm 2022 ước tính là khoảng 800 triệu USD.

Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) cũng cho hay, sáng tạo nội dung ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao trên toàn cầu tham gia và tạo ra một lượng doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ở Việt Nam, ước tính cũng có lực lượng hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này, hàng năm mang về một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện DCCA, ông Nguyễn Việt Tiệp - Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế cho hay, các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế đang bị nộp “thuế chồng thuế”.

Phân tích một trường hợp cụ thể với các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, ông Nguyễn Việt Tiệp dẫn chính sách của nền tảng và cho rằng, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.

Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Như vậy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế”, ông Tiệp cho hay.

Đại diện DCCA thông tin thêm, từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 60 Hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được 2 nước ký kết năm 2015. Tuy nhiên, đến nay do phía Mỹ chưa phê chuẩn nên Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa 2 nước chưa có hiệu lực.

Trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Với Mỹ, nhà đầu tư/quỹ đầu tư Mỹ tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho Mỹ.

“Việc sớm thực thi Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, ông Tiệp nhận xét.

Cần thay đổi cách trân trọng người tài bằng chính sách thuế thu nhập cá nhân

Từ thực tế trên, DCCA đề xuất Tổng cục Thuế xem xét áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 lần với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Riêng với thị trường Mỹ, Liên minh kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

Ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên cao cấp về kế toán thuế, đại diện DCCA nêu các đề xuất về thuế lĩnh vực MMO.

Cùng với đó, với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài, Liên minh đề xuất áp dụng thuế suất VAT là 0%, với cả cá nhân và doanh nghiệp. Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam, cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế thu nhập cá nhân 1%; với doanh nghiệp VAT là 10%.

Bà Lý Phương Duyên, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận xét, việc Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Mỹ và Việt Nam chưa được thực thi sẽ có thể dẫn đến việc doanh nghiệp, cá nhân bị đánh thuế trùng.

Bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất tránh đánh thuế 2 lần để công bằng hơn cho các doanh nghiệp, song Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT lại có quan điểm khác đối với kiến nghị giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số.

Cụ thể, từ góc độ của đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp ICT, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng để thúc đẩy phát triển, việc cần thiết là đề xuất việc giảm thuế thu nhập cá nhân, hơn là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bởi lẽ, theo ông, giảm thuế thu nhập cá nhân chính là cách để giữ chân các chuyên gia giỏi ở lại Việt Nam. Lấy ví dụ ở lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện đã có các kỹ sư giỏi được doanh nghiệp Singapore mời với mức lương gấp đôi tại Việt Nam. Đại diện Cục Công nghiệp ICT cho rằng, nếu chúng ta không thay đổi cách để trân trọng người tài, các chuyên gia giỏi thông qua chính sách thuế thì chúng ta sẽ rất khó để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-ap-thue-suat-vat-0-voi-noi-dung-so-phuc-vu-thi-truong-nuoc-ngoai-2126941.html