Đề xuất Bộ Tài chính quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu là chưa phù hợp với thực tiễn

Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), Nghị định số 94/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG; Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực DTQG. Do đó, đề xuất của Bộ Công Thương chuyển nhiệm vụ quản lý DTQG xăng dầu cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu là không có cơ sở.

Việc Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.

Chức năng, nhiệm vụ quản lý xăng dầu DTQG

Theo quy định hiện hành, khoản 3 Điều 32, khoản 2 Điều 35, Điều 38 và Điều 48 Luật DTQG quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý xăng, dầu DTQG của Bộ Công Thương. Tại Điều 8, Điều 21 Luật DTQG, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG và Điều 1 Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2013/NĐ-CP nêu rõ: Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG; Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực DTQG.

Xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại và là ngành hàng kinh doanh có điều kiện; việc bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ; các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù. Do đó, cơ quan quản lý xăng dầu DTQG phải là cơ quan có năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ; có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành, lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng…

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và hoạt động dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất việc phân công, phân cấp trong hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện nhiệm vụ dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, việc Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.

Gỡ “nút thắt” trong bảo quản xăng dầu DTQG

Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, Bộ Công Thương đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu DTQG.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết: “Việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho DTQG xăng dầu của Nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản”. Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 51, Điều 52 Luật DTQG và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống kho xăng dầu DTQG, xăng dầu DTQG được cất giữ riêng, được thực hiện thuê kho để bảo quản theo quy định tại Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính; chi phí bảo quản tính đúng, tính đủ theo quy định tại Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những vướng mắc khác cũng được Bộ Công Thương nêu: “Việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho DTQG xăng dầu của Nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản”. Đây là vướng mắc không có cơ sở, không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Liên quan tới việc “bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do: Định mức phí bảo quản xăng dầu DTQG chưa phù hợp với thực tế”, theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2023 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự thảo định mức xăng dầu DTQG và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan đơn vị có liên quan gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Được biết, từ khi Luật DTQG ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề nghị kèm hồ sơ xây dựng định mức của Bộ Công Thương.

Để tháo gỡ khó khăn về chi phí bảo quản xăng dầu DTQG khi bảo quản riêng theo quy định tại Điều 51 Luật DTQG, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về Quy chế quản lý xăng dầu DTQG; trong đó Điều 3 Quy chế này quy định quản lý xăng dầu DTQG thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu DTQG hằng năm.

Hiện nay, cơ chế, chính sách hiện hành đã được hoàn thiện đầy đủ để triển khai thực hiện bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu DTQG theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2013 của Bộ Tài chính.

Đề xuất của Bộ Công Thương là không hợp lý!

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý đối với mặt hàng xăng dầu DTQG, còn Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực DTQG và các mặt hàng lương thực (gạo, thóc), các mặt hàng trang thiết bị phòng, chống thiên tai...

Ông cho rằng, các mặt hàng DTQG khác hiện nay cũng đang được Chính phủ giao cho các bộ, ngành khác quản lý, phân bổ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc Chính phủ phân công Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG trên cơ sở thực trạng về hạ tầng, bến bãi, kho tàng đã có sẵn.

“Bộ Công Thương đưa ra những khó khăn về bảo quản xăng dầu DTQG như: Chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ nhà nước còn hạn chế; việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng DTQG phát sinh vướng mắc, khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc này của Bộ Công Thương là không có cơ sở, không hợp lý”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

Để giải quyết những khó khăn trên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam cho rằng, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương phải cùng ngồi lại, tính toán, bàn bạc với nhau để việc quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Những khó khăn, vướng mắc của Bộ Công Thương không liên quan tới các vấn đề như: Cơ chế, chính sách mà không thể tháo gỡ được; không liên quan tới hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư... Do đó, đề xuất của Bộ Công Thương là “ngược đời”, vì không căn cứ vào tình hình thực tế, giao cho Bộ Tài chính quản lý thì Bộ Tài chính lại phải đầu tư lại cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quản lý xăng dầu là không đúng”, ông Thỏa phân tích làm rõ.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, xét dưới góc độ quản lý ngành, thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương, do đó không nên phân định bộ nào quản lý xăng dầu DTQG mà phải là liên bộ, liên ngành.

Trên thực tế, hiện nay, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu sự chỉ đạo, thực hiện theo liên bộ. Hàng DTQG dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nên các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý tốt nguồn hàng này.

“Về lâu về dài, tất cả các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nên giao hết đầu mối cho Bộ Công Thương quản lý, điều hành để đảm bảo tính thông suốt, tập trung, hiệu quả hơn. Còn Bộ Tài chính quản lý thu thuế, phí đối với mặt hàng này”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm và khuyến nghị.

Cùng chung quan điểm, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các quỹ DTQG hầu hết do Bộ Tài chính quản lý. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.

“Dự trữ xăng dầu gắn với hoạt động quản lý kinh doanh của thị trường xăng dầu. Hiện nay, nếu quản lý lĩnh vực xăng dầu một cách tổng thể từ khâu nhập khẩu, xuất khẩu, lên kế hoạch bán buôn bán lẻ hiện đều do Bộ Công Thương thực hiện. Vì vậy, nếu như Bộ Công Thương quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia có lẽ là hợp lý hơn khi Bộ này đang quản lý một cách toàn diện đối với thị trường xăng dầu Việt Nam”, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Văn Trường

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/de-xuat-bo-tai-chinh-quan-ly-du-tru-quoc-gia-ve-xang-dau-la-chua-phu-hop-voi-thuc-tien.html