Đề xuất các biện pháp hành động để thúc đẩy ASEAN thời hậu COVID-19

Thủ tướng Prayut đã đề xuất ba đường hướng hành động nhằm thúc đẩy ASEAN thời hậu COVID-19, đó là ASEAN kết nối hơn, ASEAN mạnh mẽ hơn và ASEAN miễn dịch tốt hơn

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 26/6 đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến cùng với lãnh đạo của 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã đẩy Thái Lan và cộng đồng toàn cầu vào cách sống “bình thường mới,” trong khi thế giới cũng đang tiến tới giai đoạn địa chính trị không ổn định, tác động tới an ninh và ổn định quốc tế.

ASEAN nên hợp tác để đối phó với những xu hướng đó bằng cách tăng cường chủ nghĩa khu vực, cũng như tinh thần chia sẻ, đồng thời bảo tồn tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Prayut đã đề xuất ba đường hướng hành động nhằm thúc đẩy ASEAN thời hậu COVID-19, đó là ASEAN kết nối hơn, ASEAN mạnh mẽ hơn và ASEAN miễn dịch tốt hơn

Về đề xuất “ASEAN kết nối hơn,” Thủ tướng Prayut kêu gọi các quốc gia thành viên khẩn trương làm cho ASEAN thực sự kết nối bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, cũng như thúc đẩy kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng xanh để tạo ra ASEAN liền mạch và bền vững.

Ông Prayut cũng kêu gọi ASEAN bắt đầu xem xét các đường hướng chung trong việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa vốn đang trở thành trở ngại cho việc đi lại nhằm giúp khôi phục các doanh nghiệp và kết nối giữa người dân với người dân.

Về đề xuất “ASEAN mạnh mẽ hơn” bằng việc “xây dựng sức mạnh từ bên trong,” đó là thông qua việc thúc đẩy hội nhập kinh tế và tiến hành ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay để ASEAN phục hồi về mặt kinh tế.

Thủ tướng Thái Lan đề xuất thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vì nền kinh tế số là chìa khóa quan trọng giúp làm tăng giá trị GDP của ASEAN.

ASEAN cũng phải xây dựng sức mạnh của mình về đa dạng sinh học bằng cách sử dụng công nghệ và đổi mới để sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, cũng như thân thiện với môi trường, phù hợp với “Mô hình kinh doanh BCG.”

Về đề xuất “ASEAN miễn dịch tốt hơn,” Thủ tướng Prayut kêu gọi ASEAN chuẩn bị cho những biến động và thách thức có thể phát sinh trong tương lai bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch dài hạn.

Sau khi nhấn mạnh việc Thái Lan áp dụng Triết lý kinh tế vừa đủ, Thủ tướng Prayut cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng minh rõ ràng rằng ASEAN phải duy trì việc đưa người dân vào trung tâm và coi trọng việc chăm sóc mọi nhóm dân cư, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm lao động nhập cư.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Prayut đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng,” đồng thời bày tỏ quyết tâm của Thái Lan trong việc tăng cường hợp tác và đoàn kết của ASEAN, trong khi tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác bên ngoài để có thể đối phó với mọi thách thức bên trong và bên ngoài một cách hiệu quả.

Cũng trong ngày 26/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã có bài phát biểu tại Phiên họp Đặc biệt của Lãnh đạo ASEAN về “Trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số” theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Prayut ca ngợi Việt Nam công nhận tầm quan trọng của việc trao quyền cho phụ nữ và chọn “Trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số” là một phần của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các Hội nghị liên quan, điều cũng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 5 về “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.”

Thủ tướng Prayut khẳng định Thái Lan sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong việc trao quyền cho phụ nữ một cách bền vững dù là trong kinh tế, chính trị hay xã hội. ASEAN nên ưu tiên các vấn đề như thúc đẩy tiếp cận tài chính để trao quyền cho những phụ nữ sở hữu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng như thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong khu vực chăm sóc sức khỏe để giải quyết những thách thức chung gặp phải hiện nay.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tin tưởng rằng các quốc gia thành viên ASEAN có thể khắc phục được các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/6 bằng hình thức trực tuyến, Tổng thống Widodo khẳng định với nền tảng là một cộng đồng mạnh mẽ được xây dựng trong hơn 5 thập kỷ qua, ASEAN có thể vượt qua thời điểm gian khó này và thay đổi tình hình.

Tổng thống Widodo nhấn mạnh rằng thế giới, trong đó có các nước ASEAN, đang đứng trước hai thách thức lớn, gồm xử lý dịch bệnh và ứng phó với các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch.

Ông cũng cho rằng các thách thức do đại dịch COVID-19 càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước lớn.

Bên cạnh tâm trạng bi quan đối với chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng ngày càng bị xâm phạm giữa lúc các điều kiện địa chính trị đang thay đổi. Tổng thống Indonesia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc điều hướng sự thay đổi này.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cũng nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế ASEAN bị sụt giảm do đại dịch. Tuy nhiên, các nước ASEAN cùng các nước đối tác đối thoại đã có nhiều động thái nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch.

Tổng thư ký ASEAN đánh giá rằng các nước ASEAN đã thành công trong việc đưa ra các hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm ứng phó với đại dịch, phối hợp nhanh chóng và chặt chẽ, đồng thời hợp tác với các đối tác tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (giữa). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 26/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Bên cạnh Thủ tướng Muhyiddin, đoàn Malaysia còn có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Mohamed Azmin Ali và một số quan chức khác. Các đại biểu Malaysia tham dự từ đầu cầu thủ đô hành chính Putrajaya.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Muhyiddin đã đề cập đến một loạt vấn đề, nổi bật trong đó là các nội dung liên quan đến nỗ lực phục hồi kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo nhà lãnh đạo Malaysia, ASEAN cần sớm cụ thể hóa các kế hoạch gắn kết, nhằm nhanh chóng thực thi các biện pháp liên quan đến khái niệm “du lịch làn xanh” (du lịch bong bóng) giữa các quốc gia thành viên “xanh.”

Điều này rất quan trọng đối với việc thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực. Trong tương lai gần, Malaysia có thể sẽ mở cửa biên giới của mình cho các du khách trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, Thủ tướng Muhyiddin cho rằng ASEAN cần có sự phản ứng và phối hợp hành động một cách khẩn trương và chuẩn xác trong việc hồi phục kinh tế. Một phản ứng chung với sự phối hợp ăn ý giữa các nước thành viên sẽ giúp ASEAN trở lại mạnh mẽ hơn.

Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông Muhyiddin cho biết cùng với các đồng nghiệp ASEAN, Malaysia sẽ nỗ lực hoàn tất và ký kết hiệp định này vào cuối năm nay.

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh Malaysia giữ quan điểm cho rằng Biển Đông cần phải được duy trì là vùng biển của hòa bình và thương mại.

Bất cứ vấn đề nào liên quan đến Biển Đông cũng phải được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/de-xuat-cac-bien-phap-hanh-dong-de-thuc-day-asean-thoi-hau-covid19/648484.vnp