Đề xuất cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Chiều 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 điều, 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hành vi cấm lấp sông, suối, kênh, rạch; xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; khai thác trái phép cát, sỏi và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh. Sửa đổi, bổ sung nội dung về lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước theo hướng bổ sung quy định các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, hoặc phá dỡ; nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý, kiểm soát và có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; không bố trí dân cư ở ven các đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo theo hướng quy định các hoạt động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ, ngành, UBND các cấp, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện phòng, chống hạn, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo...

Quang cảnh phiên họp.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban thống nhất với việc xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ việc bảo vệ nguồn nước phải dựa vào chức năng và phân vùng chức năng nguồn nước; thẩm quyền phân vùng chức năng nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nguồn nước để đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước; bổ sung quy định cơ chế tài chính khi cấp nước cho các mục đích sử dụng khác nhau phải tính đến lượng nước thải và chi phí để xử lý nước thải sau sử dụng nhằm bảo vệ hiệu quả nguồn nước.

Về đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, thể hiện rõ trường hợp nào phải đăng ký, trường hợp nào phải cấp phép, trường hợp nào không phải đăng ký, cấp phép để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót; làm rõ mối liên hệ giữa đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bổ sung quy định việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình thủy lợi đang hoạt động thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp phép theo hướng tối giản các thủ tục hành chính và chi phí thực hiện...

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1065323/de-xuat-cam-lap-song-suoi-kenh-rach-trong-du-thao-luat-tai-nguyen-nuoc-sua-doi