Đề xuất cấm uống rượu, bia: Quy định 'trừ trường hợp đặc biệt' là có vấn đề

Tại phiên làm việc sáng 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về quy định cán bộ, công chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ trong LLVT, cơ quan tổ chức DN và HS, SV không được uống rượu, bia trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Sau Báo cáo tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, nhiều điều biểu nhất trí về phạm vi điều chỉnh cũng như chính sách của Nhà nước tại dự thảo luật để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.

Tuy nhiên, liên quan đến nội dung quy định về địa điểm không được bán, uống rượu bia tại khoản 6 Điều 10 là trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Giàng A Chu tỏ ra băn khoăn bởi đại biểu này cho rằng, việc đưa các địa điểm này vào danh sách cấm là không mấy khả thi mà chỉ tính tới tính công bằng xã hội.

Theo phân tích của ông Chu: Trụ sở cơ quan tổ chức nhà nước, doanh nghiệp là nơi làm việc chỉ nên quy định không được uống rượu bia vào giờ hành chính. Ngoài giờ vẫn có quyền tiếp khách, giao lưu. Nếu cấm ở các cơ quan này, người ta vẫn có thể kéo ra quán để uống thì chung quy lại vẫn là uống rượu, uống bia.

Do đó, ông Chu đề nghị Ban soạn thảo không nên quy định là trụ sở cơ quan nhà nước hay các tổ chức chính trị xã hội cấm uống rượu, bia; chỉ nên cấm uống rượu, bia vào giờ hành chính, giờ làm việc.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng việc cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ giữa các ca là đúng đắn.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: VPQH)

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: VPQH)

"Không nên chỉ quy định trong giờ hành chính bởi trong giờ nghỉ trưa và sau giờ chiều tan ca, vẫn còn rất nhiều trường hợp lái xe uống rượu, bia gây tai nạn cho người khác", bà Khánh giải thích.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận cho biết hoàn toàn đồng nhất với quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 19. Riêng khoản 6 có nêu địa điểm không bán rượu bia là nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quy định nơi làm việc ở đây không rõ về không gian và địa điểm.

"Theo tôi, với một cơ quan nhỏ, nơi làm việc đồng thời là địa điểm làm việc, trụ sở làm việc nhưng cơ quan quy mô lớn với nhiều tòa nhà, nơi làm việc là tòa nhà hoặc phòng làm việc. Vì vậy, quy định không chặt chẽ, dẫn đến hiểu nhầm ngoài nơi làm việc. Ví dụ địa điểm khác: sân bóng, căng tin, nhà để xe cơ quan được quyền bán rượu bia", Đại biểu Bình Thuận nêu.

Khoản 6 Điều 10 quy định "địa điểm không uống rượu bia là trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội". Để thống nhất trong cách diễn đạt giữa các điều trong luật và bao trùm không gian, địa điểm không được bán rượu, bia, đại biểu này đề nghị thay cụm từ "nơi làm việc" tại Điều 19 thành "trụ sở cơ quan, đơn vị không được bán rượu, bia trừ những nơi là địa điểm được kinh doanh rượu, bia theo quy định".

Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) - Gia Lai lại băn khoăn về quy định "trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ" tại Khoảng 11 Điều 5.

"Khoản 11 Điều 5 quy định "trừ trường hợp đặt biệt theo quy định của Chính phủ" tức là cán bộ, công chức, người lao động, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Tôi nghĩ rằng trong lực lượng vũ trang cấm là đương nhiên, các cơ quan hiện nay cấm rượu, bia trong cơ quan, giờ hành chính, giờ làm việc, đặc biệt là buổi trưa, nhưng lại trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Tôi thấy nội dung này có vấn đề", đại biểu Gia Lai phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng nên cân nhắc có nên đưa "trường hợp đặc biệt" vào dự luật hay không. Theo ông Tuyết, trong dự thảo nghị định Chính phủ gửi chưa quy định như thế nào là trường hợp đặc biệt. Vì vậy, nếu như không nêu rõ trường hợp đặc biệt nào, có thể xảy ra lách luật để vẫn uống rượu bia trong giờ làm việc mà viện dẫn trường hợp đặc biệt đó.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu Quốc hội còn thảo luận sôi nổi về khái niệm tác hại của rượu bia, quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trên internet, bán và quảng cáo rượu, bia trên internet...

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong chương trình phiên họp sáng 23/5, đã có 18 vị đại biểu Quốc hội được phát biểu tại hội trường và có 9 đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Đồng thời cũng có nhiều ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn với tấm lòng mong muốn xây dựng một bộ luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng mong muốn phải đảm bảo tính khả thi trong đời sống xã hội.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau khi được hoàn thiện và thực thi, các đại biểu Quốc hội vẫn mong muốn tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện luật pháp và ý thức của người dân khi thực hiện luật này. Đồng thời các vị đại biểu Quốc hội cũng mong muốn phải xử lý nghiêm khắc những người đã sử dụng rượu, bia mà có gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác như đồng chí Bộ trưởng đã tiếp thu.

Ban soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ trình các đồng chí thường trực Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội một lần nữa, rà soát kỹ lưỡng cả nội dung và kỹ thuật văn bản mà các đại biểu góp ý để hoàn thiện, giải trình trước Quốc hội một lần nữa trước khi Quốc hội xem xét, cân nhắc quyết nghị thông qua dự án luật này.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/de-xuat-cam-uong-ruou-bia-quy-dinh-tru-truong-hop-dac-biet-la-co-van-de/2019052306014724