Đề xuất Cảnh sát giao thông mặc thường phục: Khó phân biệt thật - giả

Theo luật sư, quy định về việc Cảnh sát giao thông mặc thường phục giám sát giao thông có những ưu điểm nhất định, song dễ phát sinh tiêu cực.

Tăng cường tính linh hoạt cho lực lượng

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến trong 2 tháng, từ giữa tháng 10.

Nội dung dự thảo nêu một số vấn đề nổi bật như, Bộ Công an đề xuất lực lượng Cảnh sát giao thông được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, Cảnh sát giao thông mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu xử lý…

Dự thảo cũng đề xuất sẽ trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ (súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp...) cho lực lượng Cảnh sát giao thông để làm nhiệm vụ.

Quy định về việc Cảnh sát giao thông được mặc thường phục mang lại những thuận lợi và ưu điểm nhất định, tuy nhiên dễ phát sinh nhiều bất cập

Quy định về việc Cảnh sát giao thông được mặc thường phục mang lại những thuận lợi và ưu điểm nhất định, tuy nhiên dễ phát sinh nhiều bất cập

Nêu quan điểm về vấn đề trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Thông tư của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đã nêu rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là có quy định về việc Cảnh sát giao thông được mặc thường phục giám sát giao thông.

Theo quy định hiện hành, lực lượng Cảnh sát giao thông có quyền mặc thường phục khi làm nhiệm vụ đã được quy định rõ tại Điều 11 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 05/8/2020. Nội dung này vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo Thông tư lần này của Bộ Công an. Theo đó, trang phục của Cảnh sát giao thông được quy định trong 2 trường hợp cụ thể:

Thứ nhất, khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông phải sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang;

Thứ hai, nếu kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông mặc thường phục được bố trí để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, Cảnh sát giao thông có thể mặc thường phục khi làm nhiệm vụ trong một số trường hợp theo quy định. Cụ thể là để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, phát hiện vi phạm; đồng thời, họ không được mặc thường phục khi xử lý vi phạm mà phải sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân" - luật sư Tiền thông tin.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Từ quy định trên theo luật sư Trần Xuân Tiền, quy định về việc Cảnh sát giao thông được mặc thường phục mang lại những thuận lợi và ưu điểm nhất định. Quy định này làm cơ sở để tăng cường tính hệ thống, chuyên môn hóa và tính linh hoạt cho lực lượng Cảnh sát giao thông khi thực hiện công vụ; đồng thời đảm bảo phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và kiểm soát, phát hiện vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông.

Hơn nữa, không phải trong mọi trường hợp Cảnh sát giao thông đều được mặc thường phục, mà điều này chỉ được thực hiện trong một số trường hợp theo kế hoạch đã được Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an từ cấp huyện trở lên lập.

Lực lượng Cảnh sát giao thông mặc thường phục cũng phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai khi thực hiện nhiệm vụ, tức là kết hợp với Cảnh sát giao thông mặc sắc phục đúng theo quy định chứ không được hoạt động độc lập, riêng rẽ. Ngoài ra, lực lượng này chỉ có quyền giám sát, kiểm soát và phát hiện vi phạm, chứ không có quyền xử lý hành vi vi phạm xảy ra.

Quy định chặt chẽ về trang phục của Cảnh sát giao thông tương ứng với chức năng, nhiệm vụ nêu trên là cơ sở pháp lý để tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị, lực lượng Cảnh sát giao thông và đảm bảo tính khách quan trong quá trình quản lý, giảm sát tình hình trật tự giao thông trên địa bàn cả nước.

Người dân khó phân biệt thật - giả

Bên cạnh những thuận lợi, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, quy định này có thể dẫn đến một số bất cập nhất định trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật. Cụ thể, trường hợp Cảnh sát giao thông thực hiện việc giám sát, phát hiện vi phạm thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này khiến cho công tác xác minh, xử lý vi phạm mất thêm nhiều thời gian hơn so với việc kiểm soát và xử lý công khai, trực tiếp, từ đó không phát huy được tính nhanh chóng, kịp thời khi xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Chưa kể đến, quá trình xử lý, giám sát thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thông qua máy móc, thiết bị kỹ thuật không thể mang lại kết quả chính xác tuyệt đối, hoặc có hỏng hóc, trục trặc xảy ra đối với máy móc trong quá trình vận hành và tác động đến tính chính xác của kết quả.

Ngoài ra, quy định về việc Cảnh sát giao thông được mặc thường phục có thể nảy sinh tiêu cực, tình trạng lạm quyền trong một số bộ phận cán bộ Công an nhân dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hiện nay trên thế giới, chỉ trừ những trường hợp phá án nghiêm trọng thì cảnh sát mới mặc thường phục.

Đồng thời, quy định này cũng là một kẽ hở để cho kẻ xấu lợi dụng, giả dạng Công an nhằm thu lợi bất chính, trong khi đó người dân không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Như vậy tính thực thi pháp luật nghiêm minh, dù người dân và cảnh sát rất muốn trong trường hợp này là rất thấp.

Từ những phân tích nêu trên, luật sư Tiền cho biết: "Cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam để ban hành và áp dụng quy định này".

Được biết hiện nay trên thế giới, chỉ trừ những trường hợp phá án nghiêm trọng thì cảnh sát mới mặc thường phục, bởi nếu lạm dụng điều này sẽ xảy ra nhiều điều phiền toái, tiềm ẩn nhiều tiêu cực từ bên ngoài lẫn bên trong nội bộ. “Theo đó, nếu ban hành quy định về việc mặc thường phục để giám sát, phát hiện, từ đó tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm giao thông trong thời điểm này là chưa thực sự cần thiết” - luật sư nêu quan điểm.

Luật sư cũng cho biết thêm, vấn đề không nằm ở hình thức của sự việc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể coi là khá đầy đủ, chặt chẽ, chúng ta không thiếu quy định, cũng không thiếu chế tài xử phạt. Nhưng thực tế chúng ta đang thực hiện không nghiêm túc, hoặc cố tình để xảy ra “hiệu ứng nhờn thuốc” đối với luật pháp, điều này mới khiến cho sự răn đe của luật pháp không phát huy được tác dụng

4 trường hợp Cảnh sát giao thông được quyền ra hiệu dừng phương tiện

Một điểm mới được Bộ Công an đề xuất trong dự thảo là về 4 trường hợp Cảnh sát giao thông được quyền ra hiệu dừng phương tiện trên đường để kiểm soát: Một là, các tổ tuần tra được dừng phương tiện khi trực tiếp hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện hành vi vi phạm luật; hai là, khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch xử lý theo chuyên đề đã được phê duyệt; ba là, khi có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng; bốn là, khi có tin báo, phản ánh của tổ chức, cá nhân vềhành vi vi phạm.

Trong các trường hợp trên, Cảnh sát giao thông được quyền kiểm soát người và phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ của phương tiện và giấy tờ tùy thân của những người có mặt trên phương tiện đó. Cảnh sát giao thông cũng có thể đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác mà có nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trường hợp có tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại đang hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-canh-sat-giao-thong-mac-thuong-phuc-kho-phan-biet-that-gia-223807.html