Đề xuất chỉ định làm cao tốc Bắc Nam: Triệt tiêu tính cạnh tranh, dễ có tiêu cực

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng việc chỉ định doanh nghiệp yếu kém làm dự án đầu tư công làm triệt tiêu tính cạnh tranh, lại rất dễ phát sinh tiêu cực.

Dư luận những ngày gần đây sôi sục trước thông tin Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Sông Đà xin chỉ định thầu làm cao tốc Bắc - Nam trong bối cảnh nợ đầm đìa. (Ảnh: H.Hưng)

Sông Đà xin chỉ định thầu làm cao tốc Bắc - Nam trong bối cảnh nợ đầm đìa. (Ảnh: H.Hưng)

Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hơp bất khả kháng, vì làm triệt tiêu tính cạnh tranh và dễ này sinh tiêu cực.

“Chỉ định thầu là làm triệt tiêu tính cạnh tranh. Chỉ định doanh nghiệp yếu kém, nợ nần, thua lỗ thì rõ ràng có sự khuất tất, lợi ích nhóm… không vì sự phát triển chung”, ông Long nói.

Vẫn theo ông Long, muốn phát triển, muốn xây dựng được công trình chất lượng với giá cạnh tranh chỉ có đấu thầu công khai minh bạch để lựa chọn nhà thầu.

Trong trường hợp rất cấp bách, cần triển khai nhanh, có thể phải chỉ định thầu nhưng phải chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính làm dự án. “Doanh nghiệp yếu kém làm ăn thua lỗ mà lại được giao chỉ định thầu thì không hợp lý, rõ ràng có vấn đề, thậm chí thể hiện sự móc ngoặc, lợi ích riêng…”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.

Tổng công ty Sông Đà từng thi công, xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La và Lai Châu. Những năm qua, đơn vị này tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đầu tư làm thủy điện cũng phải "đắp chiếu" vì không có việc làm.

Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.

Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty CP xi măng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty CP thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty CP Sông Đà 4 vay 3 triệu USD…Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của tổng công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD.

Do tổng công ty không có tiền trả nợ ADB, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho tổng công ty được gia hạn thời gian trả nợ một năm. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính miễn chi phí cho vay lại đối với các khoản vay nước ngoài của Tổng công ty Sông Đà.

Bộ Xây dựng nói gì?

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, về công nghệ xây dựng, công nghệ làm đường ở Việt Nam, không chỉ Sông Đà mà còn rất nhiều đơn vị khác làm được. Nhưng về mặt kinh tế xã hội, đây là doanh nghiệp có truyền thống nên ủng hộ.

Việc Bộ Xây dựng giới thiệu Tổng công ty Sông Đà tham gia xây dựng cao tốc Bắc-Nam với hình thức chỉ định thầu "cũng chỉ là một trong những phương thức thầu và phải kèm theo nhiều điều kiện khác".

Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, nếu chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam, sẽ giải quyết được cho Tổng công ty Sông Đà trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Hoàng Hưng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-tu/de-xuat-chi-dinh-lam-cao-toc-bac-nam-triet-tieu-tinh-canh-tranh-de-co-tieu-cuc-ar550707.html