Đề xuất chính sách có trọng tâm, đột phá cao, tránh dàn trải

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Khẳng định điều này, song tại phiên thảo luận tổ chiều qua, nhiều đại biểu nêu rõ, số lượng chính sách trong dự thảo tương đối nhiều, nhưng ít có sức nặng có thể mang lại yếu tố đột phá. Vì thế, cần nghiên cứu đề xuất chính sách có trọng tâm, tránh dàn trải, có cơ chế kiểm soát, bảo đảm tính minh bạch.

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh): Phải có cơ chế thật sự vượt trội

Để trở thành thành phố văn minh, hiện đại, sinh thái, sáng tạo, thì TP. Hồ Chí Minh phải có cơ chế thật sự vượt trội. Từ đó, mới ngăn chặn nguy cơ “chững lại”, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố. Vừa qua, trong khi tăng trưởng GDP quý I.2023 của cả nước đạt 3,32% so với cùng kỳ, thì TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương - PV). Điều này cho thấy, rõ ràng còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi Nghị quyết của Quốc hội lần này phải “gỡ khó”.

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh)

Đặc biệt, cần quan tâm đến nhóm chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Muốn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà chỉ tính đến ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa thực sự phù hợp. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp chưa khởi nghiệp đã “chết yểu” - đây là đầu tư rủi ro, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chỉ khi nào các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đứng được trên “đôi chân” của mình, thực sự gia nhập vào hoạt động của doanh nghiệp, thì mới cho phép đánh thuế dựa trên đánh giá hiệu quả. Nếu muốn vượt trội, chưa nên bàn đến câu chuyện thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải thực sự giao quyền cho TP. Hồ Chí Minh trong đầu tư, những dự án lớn, lan tỏa cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hay những cảng trung chuyển, thì dứt khoát phải thực hiện đầu tư công trung hạn. Nhưng những vấn đề thuộc đầu tư hàng năm của địa phương, nên giao thành phố tự quy định. Tất nhiên, thành phố quyết định đầu tư một dự án vẫn phải theo quy định của pháp luật, từ việc xây dựng báo cáo tiền khả thi, xây dựng hồ sơ đến đấu thầu, mời thầu, chấm thầu. Thực tế, một dự án nhóm A, nhóm B, riêng quy trình, thủ tục để chuẩn bị dự án mất 2 - 3 năm. Do vậy, nên trao quyền đối với các dự án thuộc ngân sách địa phương. Và, thành phố cũng phải báo cáo với Quốc hội về tổng mức đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và hiệu quả của dự án.

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam): Cần chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức thành phố đột phá hơn

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam). Ảnh: Quang Khánh

Nghị quyết số 24- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, cũng như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xác định mục tiêu phát triển của TP. Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Do vậy, cần nghiên cứu ban hành chính sách đột phá hơn trong đào tạo đội ngũ tinh hoa, thu hút nhân tài, thúc đẩy môi trường cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hoạt động của thị trường khoa học công nghệ sôi động gắn với các thị trường khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Tại Điều 6 về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, khoản 11 quy định “nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND thành phố xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng”. Với quy định này sẽ chỉ có dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ mới được áp dụng cơ chế, song việc “chuyển đổi toàn bộ công nghệ” cần có thời gian, lộ trình phù hợp. Do vậy, cần cân nhắc quy định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Điều 8 về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, điểm d khoản 1 quy định “Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo”. Việc quy định thí điểm về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) là cần thiết, để thể hiện vị trí của TP. Hồ Chí Minh là “đầu tàu về kinh tế số, xã hội số” như nêu tại Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhưng, tôi đề nghị, mở rộng thí điểm về sandbox không chỉ trong phạm vi như quy định của dự thảo Nghị quyết; xem xét áp dụng thí điểm không chỉ là các “giải pháp công nghệ mới” bao gồm “các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số”.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang): Lượng hóa khả năng tổ chức thực hiện và đánh giá tác động của chính sách

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện số lượng chính sách đề nghị trong dự thảo Nghị quyết tương đối nhiều, nhưng ít có sức nặng mang lại yếu tố đột phá. Cần nghiên cứu đề xuất chính sách có trọng tâm, có tính tháo gỡ, đột phá cao, tránh dàn trải, theo đó đánh giá tính phù hợp thực tiễn, khả thi và có thể mang lại tác động rõ rệt. Những cơ chế đột phá cần đi đôi với việc xác định năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Việc hoạch định dự kiến về tổ chức thực hiện và đánh giá tác động của chính sách phải được lượng hóa một cách khoa học.

Về đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn kết với phát triển giao thông công cộng (TOD), mô hình đặt ra nhiệm vụ phát triển “các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển TOD”. Đây là chính sách rất tích cực vì sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách nhưng như đề xuất trong dự thảo thì quy mô vẫn còn rất hẹp. Tôi đề nghị nên nghiên cứu mở rộng quy mô hơn, không chỉ “xung quanh các nhà ga Metro”, để phù hợp với yêu cầu điều tiết chênh lệch địa tô theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Về cơ chế phát triển điện mặt trời sử dụng mái nhà trụ sở công (khoản 11, Điều 5), cần phải tính đến hiệu quả tổng thể về môi trường. Ngày 15.5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo nguyên tắc “tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất”. Hệ thống điện quốc gia vận hành có những yếu tố kỹ thuật rất đặc thù, do đó, cần nhìn nhận ở góc độ tổng thể và bền vững, không chỉ đơn giản nhìn nhận ở góc độ, lợi ích cụ thể. Vì vậy, cần lưu tâm đến việc đánh giá cụ thể mức độ tác động để có thể vận hành chính sách này trên thực tế.

Thanh Hải - Thanh Chi - Hoàng Ngọc ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/de-xuat-chinh-sach-co-trong-tam-dot-pha-cao-tranh-dan-trai-i330841/