Đề xuất cho học sinh TP. Hồ Chí Minh học trở lại với nhiều khung thời gian khác nhau

Hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 trường học với khoảng 2 triệu học sinh (HS), nếu HS đồng loạt đi học lại, phải cần một lượng khẩu trang rất lớn mới đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, các bên liên quan cần phải tính toán thời gian đi học lại của HS một cách hợp lý.

Thông tin được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh CoVid-19 (TP. Hồ Chí Minh), diễn ra ngày 25/2.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, yêu cầu các Sở ngành, cơ quan đơn vị không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp

Cần phải tính toán thời gian đi học lại của học sinh một cách hợp lý

Liên quan đến việc đi học lại của HS, sinh viên (SV) trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo tính toán, nếu TP. Hồ Chí Minh cho HS đi học lại, mỗi em sử dụng 3 khẩu trang/ngày thì mỗi ngày TP phải cung cấp 3 triệu khẩu trang mới đáp ứng đủ nhu cầu, điều này là bất khả thi. Trường hợp quy định một nửa HS đeo, một nửa không đeo thì càng không ổn. Bài toán đặt ra rất lớn, các bên liên quan cần phải tính toán thời gian đi học lại của HS một cách hợp lý.

Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, theo GS. TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, đặc điểm dịch tễ cho thấy, người nhiễm bệnh Covid-19 có khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, điều này rất nguy hiểm. Mặt khác, hoạt động giao thương, đi lại giữa TP và các nước dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là những quốc gia châu Á đang có số ca nhiễm bệnh cao nhưng vẫn đến Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh có dân số và mật độ cao; số lượng và mật độ HS cao nên nguy cơ tạo điều kiện lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Khả năng kiểm dịch đối với ca xâm nhập từ ổ dịch sẽ rất khó khăn.... Nguy cơ phát thành dịch nếu không giám sát, phát hiện kịp thời các ca mới mắc trong trường học, trong các cơ sở tập trung đông.

Nói về tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, thế giới đang lo ngại khi dịch bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cánh cửa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 càng khép lại, đỉnh dịch có thể cuối tháng 4. Hiện số người Hàn Quốc tại TP cũng lớn, số người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng nhiều nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, không chủ quan… phải có kịch bản ứng phó cụ thể.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tặng hoa chúc mừng bệnh nhân (bệnh nhân cuối cùng xuất viện), quốc tịch Mỹ đã chữa khỏi bệnh Covid-19, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh

Đề cập việc đi học lại của học sinh, sinh viên trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, theo tính toán, nếu TP. HCM cho học sinh đi học lại, mỗi em sử dụng 3 khẩu trang/ngày thì mỗi ngày TP phải cung cấp 3 triệu khẩu trang mới đáp ứng đủ nhu cầu. Chủ tịch UBND TP cho rằng điều này là bất khả thi. Trường hợp quy định một nửa học sinh đeo, một nửa không đeo thì càng không ổn. "Bài toán đặt ra rất lớn, phải đưa ra giải pháp như thế nào. Việc cho học sinh đi học lại phải được tính toán thật kỹ" – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Từ những diễn biến thực tế trong công tác phong chóng dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, kiến nghị tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đề xuất thời gian HS đi học trở lại theo các khung thời gian khác nhau, cụ thể:

Bậc mầm non, tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15/3; ngày 16/3 trẻ lớp Lá đi học nhưng không ăn sáng. Thời gian tập trung các lớp khác của mầm non sẽ tùy tình hình diễn biến dịch bệnh.

Bậc tiểu học, học sinh tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15/3; ngày 16/3 lớp 5 đi học lại nhưng không bán trú, chỉ tổ chức học 1 buổi. Các lớp khác cũng tùy tình hình diễn biến dịch bệnh.

Bậc THCS, ngày 2/3 lớp 9 đi học nhưng không bán trú, chỉ tổ chức học 1 buổi; ngày 16/3 học sinh các khối lớp khác bắt đầu đi học lại.

Bậc THPT, GDTX, từ ngày 2/3 học sinh lớp 12 đi học lại nhưng chỉ học 1 buổi; ngày 16/3 học sinh các khối lớp còn lại bắt đầu đi học lại.

Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GD-ĐT trên địa bàn TP thực hiện theo cơ chế tự chủ, để quyết định phương thức đào tạo. tính toán sắp xếp thời gian tổ chức đào tạo theo mốc thời gian từ ngày 2/3.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, trung tâm giáo dục kỹ năng sống... hoạt động trở lại từ ngày 16/3.

Cần phải có biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt hơn nữa

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, tính đến nay, số người xác định mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh là 3 trường hợp, hiện cả 3 trường hợp đều đã khỏi bệnh và xuất viện. Toàn bộ số người nghi ngờ mắc bệnh là 35 trường hợp, tất cả đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Cvid-19.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trao tặng bằng khen cho Sở Y Tế TP vì đã có thành tích trong công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại buổi họp

Về tình hình giám sát người về từ vùng dịch: Tổng số người tiếp xúc gần với người mắc bệnh là 44 trường hợp, tất cả đều đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng mắc bệnh. Hiện có 79 trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung (huyện Củ Chi).

Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện: 55 trường hợp; hiện đã có 43 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, còn 12 người đang tiếp tục được theo dõi. Ngoài ra, tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.979 trường hợp; hiện đã có 2.941 người hết thời gian theo dõi, còn 38 người đang tiếp tục được theo dõi.

Sau thời gian chủ động và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đến nay, TP. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận thêm trường hợp lây lan trong cộng đồng và không có thêm trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “cánh cửa cơ hội kiềm chế Covid-19 đang hẹp lại”, mặc dù WHO chưa tuyên bố là đại dịch toàn cầu, nhưng những gì diễn ra tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy thời gian gần đây là đáng báo động. Do vậy, thành phố (TP) không chủ quan, lơ là mà phải quyết liệt có kế hoạch phòng, chống Covid-19 hiệu quả.

Sở đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, đơn vị liên quan cần thống kê, quản lý số người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và một số quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch... theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn và khuyến cáo việc tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Trong thời gian tới, để chuẩn bị các phương án đảm bảo khả năng thu dung để cách ly dự phòng, cách ly điều trị, không để dẫn đến tình trạng quá tải về chăm sóc y tế, Sở Y tế TP đề xuất mở rộng khu cách ly tập trung. Dự báo trường hợp cần cách ly sẽ tăng trong thời gian tới, TP sẽ mở rộng thêm khu cách ly tập trung 200 giường tại huyện Nhà Bè. Sở cũng sẵn sàng huy động thêm 1.000 giường bệnh tại những bệnh viện mới được xây dựng để cách ly người nguy cơ nhiễm Covid-19.

Để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả tốt hơn nữa, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo, các đơn vị của TP thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-cho-hoc-sinh-tp-ho-chi-minh-hoc-tro-lai-voi-nhieu-khung-thoi-gian-khac-nhau-133132.html