Đề xuất chuyển 3 dự án cao tốc từ hình thức BOT sang đầu tư công

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) sang đầu tư công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Dự án xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 gồm 11 Dự án thành phần, trong đó 3 Dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công và 8 Dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT.

Trên cơ sở báo cáo các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi 3 Dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây) từ hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT sang đầu tư công. Đối với 5 Dự án thành phần còn lại tiếp tục thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Với phương án chuyển đổi như trên, chi phí đầu tư của 6 Dự án đầu tư công (3 đang thực hiện và 3 dự án dự kiến chuyển đổi) và chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ có tổng nhu cầu vốn khoảng 54.365 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn đã được Quốc hội thông qua cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 55.000 tỷ đồng sẽ không còn nguồn vốn để hỗ trợ cho 5 dự án PPP còn lại trong giai đoạn 2016-2020.

Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch vốn giao cho Dự án là 16.593 tỷ đồng; giải ngân được khoảng 6.800 tỷ đồng nên khả năng giao hết số kế hoạch còn lại 37.772 tỷ đồng (54.365 tỷ đồng - 16.593 tỷ đồng) và giải ngân hết kế hoạch vốn trong giai đoạn 2016-2020 là khó khả thi.

Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm báo cáo phương án thực hiện cụ thể (mục tiêu, tiến độ, kết quả từng giai đoạn...) bao gồm cả các dự án đầu tư công và đầu tư PPP.

Đặc biệt đánh giá rõ khả năng giải ngân vốn ngân sách nhà nước đã bố trí giai đoạn 2016-2020 theo qui định của Luật Đầu tư công; hoàn thiện các thủ tục cần thiết để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội về điều chỉnh phương án đầu tư làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo.

Riêng đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do dự án đang được triển khai theo hình thức BOT có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/de-xuat-chuyen-3-du-an-cao-toc-tu-hinh-thuc-bot-sang-dau-tu-cong-123505.html