Đề xuất có chứng chỉ hành nghề, giáo viên lo phải đóng phí chống trượt

Cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay đang có phần 'thả nổi', một chuyên gia đã đề xuất Việt Nam nên có cơ chế cấp chứng chỉ hành nghề dạy học với nhà giáo. Tuy nhiên, giáo viên phản đối đề xuất này.

Trước khi được đứng lớp, giáo viên cũng phải trải qua quá trình đào tạo ở các trường sư phạm. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hùng).

Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức chuỗi hội thảo lấy ý kiến các nội dung trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Có rất nhiều đề xuất được đưa ra, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách với nhà giáo.

Đặc biệt, trước thực tế nhiều giáo viên vi phạm đạo đức trong thời gian qua, ông Lê Quán Tần - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) – đã đề xuất sau khi sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm, muốn đi dạy học phải có thêm chứng chỉ hành nghề. Đề xuất này ngay lập tức gây tranh cãi.

Vì sao giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề?

Theo ông Lê Quán Tần, trên thế giới đã có nhiều nước yêu cầu người tốt nghiệp trường sư phạm phải có thêm chứng chỉ hành nghề mới được đi dạy ở các cơ sở giáo dục.

Ví dụ, ở Nhật Bản, những người được đào tạo giáo viên rất giỏi nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ này có thời hạn trong vòng 10 năm.

Ông Lê Quán Tần. Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet

“Vì sao họ làm vậy? Vì trong hệ thống giáo dục, người ta có thể gặp giáo viên có tư chất rất kém, vậy lấy lí do gì loại họ? Chứng chỉ hành nghề giáo viên là thước đo kiểm soát đạo đức, năng lực nhà giáo” – ông Tần đề xuất.

Ông kiến nghị Chính phủ quy định điều kiện hành nghề nhà giáo nói chung, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp để kiểm soát và giảm những vụ việc đáng tiếc trong ngành giáo dục.

“Giờ có những giáo viên tát học sinh đến nỗi phải vào bệnh viện. Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm đạo đức nhà giáo, chứ không phải nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm là xong”- ông Tần nhấn mạnh.

Làm không khéo sẽ thành “giấy phép con”

Trước đề xuất của ông Lê Quán Tần, nhiều giáo viên bày tỏ ý kiến phản đối.

Cô Huyền Trang (giáo viên Trường mầm non Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay giáo viên đã vô cùng áp lực với các cuộc thi, hội thi, sổ sách, giấy tờ. Vì vậy, không nên đưa ra những đề xuất phi thực tế gây áp lực thêm cho nhà giáo.

"Đề xuất này là không thực tế, không cẩn thận lại làm lợi cho một số đối tượng. Ai sẽ dám chắc không xảy ra việc mua bán chứng chỉ. Lúc đó, chắc giáo viên phải đóng phí chống trượt để được đi dạy" - cô Huyền Trang lo lắng.

Nhiều thầy cô không ủng hộ đề xuất giáo viên có thẻ hành nghề mới được đi dạy. (Ảnh minh họa)

Cũng theo giáo viên này, để trở thành nhà giáo, các thầy cô đã trải qua mấy năm đào tạo trong trường sư phạm. Sau đó là đi thực tập trước khi nhận được bằng tốt nghiệp. Nếu bây giờ yêu cầu phải có thêm chứng chỉ hành nghề mới được đứng lớp thì chẳng khác nào phủ nhận quá trình đào tạo của các trường sư phạm và những nỗ lực học tập của giáo viên trước đó.

Ngoài ra, hiện nay Thông tư liên tịch 20-23/2015/TTLT của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy định về chức danh nghề nghiệp giáo viên đã yêu cầu nhà giáo phải có nhiều loại chứng chỉ khác nhau, như chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu, tin học, hay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Báo chí cũng đã phản ánh có tiêu cực ở nhiều nơi, khi giáo viên phải “chạy, mua” chứng chỉ. Giờ đề xuất thêm chứng chỉ hành nghề, nếu không quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ dễ phát sinh tiêu cực. Không khéo lại trở thành một loại “giấy phép con” làm tốn kém thời gian, tiền bạc của giáo viên.

Cũng vì điều này, theo PGS- TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, không nên bày thêm chứng chỉ hành nghề nữa. Điều quan trọng là các trường sư phạm phải đào tạo nghiêm túc, siết chặt chuẩn đầu ra, coi trọng cả giáo dục chuyên môn lẫn kỹ năng, đạo đức cho những nhà giáo tương lai, thay vì vẽ ra những loại giấy tờ gây thêm áp lực cho giáo viên.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-co-chung-chi-hanh-nghe-giao-vien-lo-phai-dong-phi-chong-truot-652302.ldo